Phát hiện hàng chục vụ vi phạm kinh doanh hàng điện tử, phạt cả tỷ đồng

ANTD.VN - Trao đổi với PV ANTĐ ngày 1-12, đại diện lãnh đạo BCĐ 389 TP. Hà Nội cho biết, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ vừa kết thúc đợt kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, đồ gia dụng, đồng hồ và kính mắt, qua đó phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm. 

Kế hoạch kiểm tra của BCĐ 389.TP đã “đánh” đúng và trúng những mặt hàng “nhạy cảm”, nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Tạo sự lành mạnh của thị trường

Theo đánh giá của Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội, thời gian qua, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp. Nhóm mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, đồ gia dụng, đồng hồ và kính mắt… thường thu hút các đối tượng tham gia kinh doanh, buôn lậu, làm giả, vì khả năng thu lời cao, mức giá chênh lệch giữa hàng hóa chính hãng và hàng lậu, hàng giả cao. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dùng đối với mặt hàng này tương đối lớn.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện vi phạm trên nhiều lĩnh vực
Phát hiện hàng chục vụ vi phạm kinh doanh hàng điện tử, phạt cả tỷ đồng ảnh 2

Trước thực trạng trên, Cơ quan Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội đã triển khai Kế hoạch kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng trên, với yêu cầu siết chặt quản lý, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và sự lành mạnh của thị trường.

Ông Chu Xuân Kiên – Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Căn cứ Kế hoạch số 43/KH-BCĐ của BCĐ 389.TP, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức triển khai kiểm tra tập trung chủ yếu vào các đơn vị đầu mối nhập khẩu, phân phối, kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, điện tử tin học, đồ gia dụng, đồng hồ và kính mắt.

Nội dung kiểm tra chủ yếu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của hàng hóa; kiểm tra công bố hợp chuẩn, hợp quy và việc gắn dấu hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa.

Những nội dung trọng tâm khác của công tác kiểm tra, là việc thực hiện niêm yết giá bán và ghi nhãn hàng hóa theo quy định; việc chấp hành quy định pháp luật về thương mại điện tử, theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ, thiết lập website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Công tác kiểm tra, xử lý được xác định yêu cầu cụ thể, phải gắn với mục tiêu lành mạnh thị trường, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nắm chắc pháp luật kinh doanh thương mại, đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

“Nâng” ý thức các hộ kinh doanh

Trong nhiều tháng, các đoàn kiểm tra liên ngành, với thành phần gồm Chi cục QLTT, Phòng CSKT CATP Hà Nội, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã kiểm tra hàng chục cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng trong diện kiểm tra theo Kế hoạch, qua đó phát hiện thiếu sót, vi phạm, nhắc nhở và xử lý 56 trường hợp với số tiền phạt hành chính gần 1,1 tỷ đồng.

Chỉ huy đội QLTT số 3 – đơn vị Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 cho biết, qua kiểm tra 30 cơ sở kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện tất cả đều vi phạm; với các nhóm lỗi chính là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo hoặc kinh doanh không có giấy phép. Nhiều cơ sở không niêm yết giá bán, hoặc kinh doanh trên mạng theo phương thức thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những cá nhân, tổ chức hình thành vi phạm do nhận thức còn bất cập, có những đối tượng chủ định đối phó với cơ quan chức năng khi tìm cách che đậy những dấu hiệu gian lận. Trong bối cảnh ấy, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, nhận biết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn thiếu, khiến công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng nhiều lúc gặp khó khăn.

Thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội cho biết, từ kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tính chất “nóng” của các mặt hàng này trên thị trường; và sẽ kiến nghị BCĐ 389 Quốc gia xây dựng các kế hoạch trọng tâm cho các lực lượng, các thành phố, các tỉnh, từ đó triển khai diện rộng lẫn chiều sâu một cách thường xuyên, dựng phương thức thủ đoạn của các đối tượng để giao cho địa phương đấu tranh tận gốc vi phạm.