"Nóng" hàng giả là phụ tùng ô tô

ANTD.VN - Kết quả kiểm tra liên ngành do BCĐ 389 TP. Hà Nội vừa công bố cho thấy, trên thị trường vẫn tồn tại nhiều mặt hàng giả là phụ tùng ô tô, “ăn theo” các thương hiệu nổi tiếng.

Theo Cơ quan Thường trực BCĐ 389 TP, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng ô tô, xe máy, xe đạp điện và linh kiện đi kèm, đã được các cơ quan chức năng kiểm soát và có sự chỉ đạo sát sao của BCĐ 389 quốc gia, Thành phố Hà Nội; tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm chất lượng vẫn xảy ra.

Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô

Trên thị trường tồn tại nhiều mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy, xe điện, làm giả các nhãn hiệu như Honda, Toyota, BMW, Ford, Huyndai…; các linh kiện, phụ tùng không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ kèm theo.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm phụ tùng được phân phối đưa ra thị trường thông qua các gara sửa chữa ô tô, xe máy để sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nếu như không được kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng.

Riêng mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện; từ khi có quy định xe máy điện phải đăng ký biển số thì đã hạn chế được hàng nhập lậu. Tuy nhiên thực tế, thị trường vẫn xuất hiện xe đạp diện không dán dấu hợp quy trên sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Trước những diễn biến tiềm ẩn phức tạp trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tham gia giao thông, cũng như sự minh bạch trong cạnh tranh, BCĐ 389 TP. Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra kiểm soát mặt hàng ô tô, xe máy, xe đạp diện và các loại linh kiện đi kèm.

Theo đó, Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra xử lý đã được thành lập, cùng 2 đoàn liên ngành với các thành phần đại diện Chi cục QLTT (chủ trì), phòng CSKT, Cục Hải quan, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Sở Khoa học và công nghệ.

Nội dung kiểm tra chủ yếu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kiểm tra công bố hợp chuẩn , hợp quy và việc gắn dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa; kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của hàng hóa; kiểm tra việc thông báo thiết lập website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Từ cuối tháng 7-2017 đến nay, các đoàn liên ngành đã kiểm tra – xử lý 113 vụ việc, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 800 triệu đồng.

Theo đánh giá của Cơ quan Thường trực BCĐ 389 TP, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, kiến nghị, kịp thời xử lý những tồn tại, “lỗ hổng” trên lĩnh vực kinh doanh các loại mặt hàng này; đặc biệt góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh.

Điều quan trọng để đạt hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn vi phạm, theo lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội, đó là cấp có thẩm quyền, các địa phương có cửa khẩu, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, chặn giữ hàng lậu ngay từ các cửa khẩu, không để thẩm lậu qua biên giới rồi vận chuyển về Hà Nội.