Ngân hàng không chủ quan với lợi nhuận khủng

ANTD.VN - Năm 2017, cổ đông tham gia vào góp vốn ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập, không phải vốn vay dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận khủng của năm 2016

Đây là khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm siết chặt an toàn hệ thống trong bối cảnh các ngân hàng đều công bố kết quả kinh doanh khả quan, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bức tranh sáng màu

Trong năm qua, các ngân hàng thương mại Nhà nước đều công bố mức lợi nhuận khủng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank cho biết, kết thúc năm 2016, ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. Trước đó, Vietcombank cũng công bố đạt lợi nhuận cao kỷ lục từ trước tới nay, với  lợi nhuận trước thuế trước dự phòng đạt tới 14.605 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro đã trích 6.392 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng theo đó đạt tới 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cũng công bố mức lợi nhuận trước thuế 7.507 tỷ đồng, tăng 7% so với kết quả đạt được năm 2015. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam Agribank cũng đạt được những kết quả khá khả quan với việc nợ xấu về dưới mức 3%, lợi nhuận năm 2016 khoảng 4.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, đa phần các ngân hàng thương mại cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Tiên Phong Bank kết thúc năm 2016 với mức lợi nhuận trước thuế 707 tỷ đồng, tăng 12,93% so với năm 2015. Ngân hàng Quốc tế - VIB đạt lợi nhuận trước dự phòng 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ đồng, cao hơn 7% so với năm 2015....

“Trước đây đã có trường hợp cổ đông đi vay đầu tư vào ngân hàng rồi lại dùng cổ phiếu đó thế chấp vào chỗ đi vay. Điều này dẫn đến những hậu quả khôn lường và bây giờ chúng ta vẫn đang chịu hệ lụy của vấn đề đó”

Nhìn nhận về kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm qua, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn có thể hy vọng một bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn. Đặc biệt khi một số năm gần đây, các ngân hàng đều đã tăng trích lập dự phòng rủi ro nên kết quả kinh doanh đã thực chất hơn.

Tuy nhiên, với cái nhìn thận trọng, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bức tranh trên sổ sách có thể chưa phản ánh đúng hoàn toàn thực tế. Bởi có thể một số ngân hàng không hạch toán tài sản xấu một cách chính xác tuyệt đối. “Các ngân hàng luôn muốn tìm cách giảm tối thiểu trích lập chi phí dự phòng, vì vậy, có thể không hạch toán đúng nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng còn rất nhiều khoản lãi dự thu, trong đó có những khoản thu là lãi từ các khoản nợ xấu đã không được hạch toán” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Siết chặt an toàn hệ  thống

Nhằm tăng cường an toàn hệ thống, NHNN cho biết, trong năm 2017, sẽ có thêm những quy định chặt chẽ hơn về các vấn đề sở hữu cổ phần ngân hàng. “NHNN sẽ đưa vào những quy định khắt khe hơn, như tham gia vào góp vốn mua cổ phần phải chứng minh được nguồn thu nhập, tiền là phải tiền thật, không vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trả chậm. Đồng thời, trong quản trị điều hành ngân hàng nếu vi phạm đến mức nào đó sẽ vĩnh viễn không được điều hành ngân hàng nữa” - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định và cho biết đã trình Chính phủ xem xét những quy định này.

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng siết chặt an toàn hệ thống có thể ảnh hưởng đến hoạt động cũng như lợi nhuận của một số ngân hàng khi những dòng vốn ảo sẽ phải rút khỏi hệ thống. “Tuy nhiên, đây là những quy định hợp lý, cần thiết và đúng thông lệ quốc tế. Tiếc rằng nó đã không được thực hiện trong quá khứ. Điều này dẫn đến hậu quả rất nhiều dòng vốn vào ngân hàng là dòng vốn ảo. Trước đây đã có trường hợp cổ đông đi vay đầu tư vào ngân hàng rồi lại dùng cổ phiếu đó thế chấp vào chỗ đi vay. Điều này dẫn đến những hậu quả khôn lường và bây giờ chúng ta vẫn đang chịu hệ lụy của vấn đề đó khi không biết trong hệ thống ngân hàng bao nhiêu dòng tiền đó là tiền đi vay, tiền ảo” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, từ quyết tâm, từ quy định đến thực hiện thường có khoảng cách nhất định. Vì vậy, NHNN phải giám sát các ngân hàng một cách chặt chẽ, đặc biệt cần thay đổi phương pháp thanh tra ngân hàng.

“Thanh tra ngân hàng hiện nay còn nặng tính tuân thủ, chủ yếu xem ngân hàng vi phạm khoản nào của Luật Tổ chức tín dụng, các quy định của NHNN chứ không phải thanh tra toàn diện để giám sát mức độ rủi ro và công tác quản lý của ngân hàng” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.