Muốn minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực cổ phần hóa phải gạt bỏ quan hệ lợi ích, thân hữu

ANTD.VN - Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có thể hoàn thành, nhưng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tình hình cổ phần hóa vẫn tiến triển chậm. Đáng chú ý, chất lượng cổ phần hóa chưa có dấu hiệu cải thiện.

Muốn minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực cổ phần hóa  phải gạt bỏ quan hệ lợi ích, thân hữu  ảnh 1

Cổ phần hóa triệt để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

Tiến độ: Cổ phần hóa vẫn chậm

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến hết quý I-2017, đã hoàn thành cổ phần hóa 6 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 3 Tổng công ty; Công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp.

Trong đó có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng giá trị vốn chủ sở hữu khoảng gần 90.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng và đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp 20 doanh nghiệp. Như vậy, so với kế hoạch năm 2017, dự kiến có 40/45 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa. 

“Vẫn còn tình trạng xây dựng phương án cổ phần hóa để lại tỷ lệ cổ phần Nhà nước ở mức cao, làm cho nhà đầu tư bên ngoài không mặn mà với cổ phần hóa. Việc phân chia doanh nghiệp cổ phần hóa thành các đối tượng Nhà nước nắm giữ trên 65%, 50% và dưới 50% cổ phần vừa phức tạp về cách phân loại, vừa tạo tâm lý e ngại về quyền kiểm soát quá lớn của Nhà nước sau cổ phần hóa”.

Ông Phan Đức Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho hay, tháng 7-2017, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 7/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017. 

Đánh giá về tình hình cổ phần hóa, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, giai đoạn 2011-2015 có 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, đạt 93% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong số này, nhiều doanh nghiệp mới chỉ thông qua phương án cổ phần hóa chứ chưa thực hiện.

“Chất lượng cổ phần hóa rất thấp, Nhà nước vẫn nắm giữ tới 81% vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này dù nhiều doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ cổ phần. Số vốn Nhà nước chuyển sang sở hữu tư nhân rất thấp so với mục tiêu đề ra”, ông Phạm Đức Trung nói. 

Nguyên nhân: Ngày càng gặp khó

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, về mặt chủ quan, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước chưa quyết liệt trong công tác này. Cá biệt như trường hợp của TP.HCM, đến nay chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp đã có trong danh sách.

Bên cạnh đó, việc cần thêm thời gian để xin ý kiến về việc không điều chỉnh giá trị sổ sách cũng khiến cổ phần hóa doanh nghiệp kéo dài. “Sau khi được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, nhiều doanh nghiệp có chênh lệch rất lớn giữa giá trị sổ sách với giá trị công bố. Do chưa có quy định nên các bộ phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không điều chỉnh lại giá trị sổ sách theo các tiền lệ của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Tân Biên”, vị đại diện cho biết. 

Là một trong những bộ quản lý nhiều doanh nghiệp Nhà nước lớn, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa nhưng quá trình này của Bộ Công Thương cũng chậm. Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, ngoài những khó khăn về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương còn gặp khó vì quản lý phần lớn là Tập đoàn, Tổng công ty lớn, quy mô vốn lớn, tài sản lớn, địa bàn rộng… nên việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đến tiến độ và cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Lấy ví dụ ngay ở Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá than trong nước đang cao hơn giá than nhập khẩu nên ngành than đang tính toán để không ảnh hưởng tới 113.000 lao động trong ngành này. Chưa kể, mỗi lao động này lại phải “gánh” thêm 4-5 người phụ thuộc, nên việc tái cơ cấu TKV cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. 

Sau tái cơ cấu sẽ hoạt động hiệu quả, bài toán khó?

Theo các chuyên gia, muốn đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, cần phải giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên. Đó cũng là những lỗ hổng lớn khiến cổ phần hóa không đạt hiệu quả như mong muốn, trong khi không ít cá nhân lợi dụng công tác này để trục lợi. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, cần gạt bỏ các quan hệ lợi ích, quan hệ thân hữu để cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước triệt để, hiệu quả. 

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho hay, cần rà soát lại tất cả các quy định, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp và tăng cường giám sát. Nhưng quan trọng hơn cả là phải xem xét, đánh giá lại tất cả các quy định trong lĩnh vực này nhằm khắc phục các lỗ hổng, quy định chưa phù hợp. Cùng đó, phải xem xét lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong suốt thời gian qua để xem đã được thực hiện đúng quy định pháp luật hay chưa, đã công khai minh bạch hay mới là hình thức. Lúc đó mới có thể đưa ra được các kết luận, giải pháp, điều chỉnh cho phù hợp.

“Chất lượng cổ phần hóa rất thấp, Nhà nước vẫn nắm giữ tới 81% vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này dù nhiều doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ cổ phần. Số vốn Nhà nước chuyển sang sở hữu tư nhân rất thấp so với mục tiêu đề ra”.

Ông Phạm Đức Trung (Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương)