Mắc kẹt 27.300 tỷ đồng ở doanh nghiệp "chết"

ANTD.VN - Có tới 27.300 tỷ đồng trong tổng số gần 75.000 tỷ đồng nợ đọng thuế là tiền nợ và phạt chậm nộp của các doanh nghiệp đã “chết”.

Tại buổi làm việc sơ kết 7 tháng của Cục Thuế Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn rất trăn trở về thực trạng nợ đọng thuế hiện nay. Trong đó, ngoài những doanh nghiệp gặp khó khăn hay chây ỳ nợ thuế thì một phần không nhỏ là số nợ không thực chất do thể chế chưa phù hợp. 

Mắc kẹt 27.300 tỷ đồng ở doanh nghiệp "chết" ảnh 1Nếu không được xóa thì khoản nợ thuế không thể thu hồi sẽ ngày càng tăng

Nợ thuế tiếp tục “phình to”

“Hiện nay, có đến 40% nợ đọng thuế là do cơ chế chưa phù hợp. Trong tổng số 75.000 tỷ đồng nợ đọng hiện nay thì đến gần 28.000 tỷ đồng là tiền nợ và tiền phạt chậm nộp của những người nộp thuế không thể nào nộp được, như người chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… Chúng ta chưa có cơ sở pháp luật để xử lý số nợ thuế này cho hợp lý. Doanh nghiệp giải thể rồi nợ đọng thuế vẫn tính phạt chậm nộp hơn 18%, vì vậy số nợ không có khả năng thu hồi cứ phình to ra”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Tại TP.HCM, theo Bộ Tài chính, trong 22.000 tỷ đồng nợ thuế trên địa bàn, chỉ có gần 10.000 tỷ đồng là nợ bình thường của hoạt động sản xuất kinh doanh, còn lại là nợ thuế, nợ phạt chậm nộp của các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể từ những năm 2006 - 2007 hay trong giai đoạn mà lãi suất ở mức 18 - 20%. Số liệu cho thấy số nợ không có khả năng thu hồi chiếm hơn 50% nợ thuế. 

Lãnh đạo các cục thuế địa phương cũng cho biết, các khoản nợ của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản gần như không thể thu hồi, vì họ không còn hoạt động ở địa chỉ đăng ký. Nhưng khi nợ vẫn còn treo thì phí phạt chậm nộp vẫn cứ phát sinh hàng ngày (lãi phạt chậm nộp 0,02%/ngày) khiến số nợ không có khả năng thu hồi ngày càng tăng lên.

Xóa hay không xóa?

Năm ngoái, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất xóa gần 8.000 tỷ đồng nợ thuế; cho khoanh nợ tạm thời không tính tiền chậm nộp hơn 6.700 tỷ đồng; xóa nợ 1.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, sắp xếp lại… nhưng không được Chính phủ đồng ý.

Về vấn đề có nên xóa nợ thuế cho những người nộp thuế không có khả năng trả nợ, một chuyên gia về thuế cho biết, cần xem xét một cách cụ thể, minh bạch từng trường hợp. Nếu thực tế những đối tượng người nộp thuế không còn khả năng thu hồi thì nên xóa luôn để đưa số nợ về thực chất, tránh tạo gánh nặng cho cơ quan thuế.

Tuy nhiên, nếu có cơ chế để xóa nợ thuế thì cũng phát sinh nhiều vấn đề chẳng hạn như tạo sự bất bình đẳng hay tiền lệ để một số đối tượng lợi dụng sau này. “Nếu xóa nợ thì không chỉ đơn thuần xóa khoản nợ hơn 27.000 tỷ đồng hiện tại, mà những doanh nghiệp phá sản, giải thể sau này cũng cần tính đến. Đó là chưa kể có thể có những doanh nghiệp thành lập mới, nhập khẩu, kinh doanh ồ ạt, nợ thuế rồi giải thể, phá sản trước khi bị cơ quan thuế kiểm tra, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ”, chuyên gia này phân tích. 

Khi nợ vẫn còn treo thì phí phạt chậm nộp vẫn cứ phát sinh hàng ngày (lãi phạt chậm nộp 0,02%/ngày) khiến số nợ không có khả năng thu hồi ngày càng tăng lên.

Vì vậy, nếu đặt vấn đề xóa nợ thuế thì cần xem xét, mổ xẻ từng trường hợp chứ không làm theo kiểu chung chung, xóa đi để “nhẹ gánh” cho cơ quan thuế. Vị chuyên gia cũng đặt ra nghi ngại khi mới đây, Tổng cục Thuế đã phát hiện hàng loạt người nộp thuế đang hoạt động bình thường nhưng lại được cục thuế các địa phương liệt vào dạng “nợ khó thu”. 

Cụ thể, Tổng cục Thuế cho biết, trong tổng số hơn 27.000 tỷ đồng tiền nợ thuế được phân vào nhóm nợ khó thu thì có tới gần 5.800 người nộp thuế đang hoạt động với tổng số tiền thuế nợ là 4.040 tỷ đồng. Nhiều người nộp thuế vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng tháng vẫn phát sinh kê khai nộp thuế nhưng được cơ quan thuế phân loại vào nhóm nợ khó thu với lý do người nộp thuế đã chết, bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể, phá sản, mất khả năng thanh toán, đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Điều này cho thấy, việc xóa nợ thuế là việc cần tính toán kỹ lưỡng.