Lo ngại tăng sức ép lên doanh nghiệp nếu cơ quan thuế có thêm quyền điều tra

ANTD.VN - Nhiều ý kiến lo ngại nếu như ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn quá lớn, sẽ tạo sức ép lên người nộp thuế và lên cả môi trường thực thi chính sách thuế.

Tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi sáng nay, 5/12, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho rằng, chức năng điều tra là cần thiết với ngành thuế.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi ghi rõ, về bản chất, điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi.

Cụ thể, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

“Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự”, ông Lưu Đức Huy cho biết.

Bộ Tài chính đề xuất cơ quan thuế sẽ có thêm quyền điều tra 

Theo người đứng đầu Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, đề xuất này được nêu ra từ nhiều năm nay nhưng đến nay chưa thành công. Trong ngành tài chính, cơ quan hải quan cũng có một phần chức năng điều tra, đó là bộ phận chống buôn lậu (như Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan).

“Hiện cơ quan thuế cũng đang thực hiện hai chức năng là kiểm tra và thanh tra, tuy nhiên chưa mạnh bằng chức năng điều tra. Các nước như Mỹ, cơ quan điều tra thuế như một cơ quan công an, thậm chí có cả súng, có thể xông vào trụ sở doanh nghiệp nếu có dấu hiệu vi phạm...” – ông Lưu Đức Huy nêu dẫn chứng.

Thêm vào đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, trong điều kiện nhiều doanh nghiệp xuyên quốc gia và Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan thuế các nước. Bởi vậy, theo ông, Việt Nam sẽ khó tham gia với các nước khi cơ quan thuế trong nước không có chức năng này. 

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam lại nêu băn khoăn về đề xuất này, đặc biệt khi cơ quan thuế còn có quyền khởi tố. Theo bà Trang, nếu như ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn quá lớn, sẽ tạo sức ép lên người nộp thuế và lên cả môi trường thực thi chính sách thuế.

Đồng quan điểm, chuyên gia Đặng Thị Bình An (Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thuế C&A) cũng bày tỏ băn khoăn về quyền khởi tố trong điều tra thuế.

Tuy vậy, theo chuyên gia này, nếu cơ quan thuế không được quyền khởi tố mà phải chuyển sang cơ quan khác, liệu có tình trạng “xét nghiệm lại từ đầu” giống như việc các bệnh viện hiện nay, khi mà cơ quan khởi tố không tin vào kết quả điều tra của ngành thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho rằng để tránh tình trạng này, các cơ quan nên sử dụng các kết quả thanh, kiểm tra, điều tra của nhau. “Ví dụ, thuế đã kiểm tra, điều tra rồi thì Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính không cần thanh kiểm tra, điều tra lại. Nếu phát hiện sai thì ngành thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mình. Điều này sẽ tránh tình trạng chồng chéo, ai cũng muốn có quyền, ai cũng muốn xuống doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.