Lộ diện "đại gia" Hàn Quốc thâu tóm xúc xích Đức Việt với giá 32 triệu USD

ANTD.VN -Tháng 8/2016, thông tin tập đoàn Daesang của Hàn Quốc, chủ sở hữu thương hiệu Miwon chi 32 triệu USD (khoảng 770 tỉ đồng) mua lại CTCP Thực phẩm Đức Việt khiến thị trường thực phẩm, tiêu dùng Việt Nam (VN) "dậy sóng". Khi đó, phía Đức Việt mới chỉ thừa nhận, họ đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo mới của Đức Việt thừa nhận Daesang đã hoàn tất thương vụ thâu tóm và mua lại 100% cổ phần.

Thương vụ bí ẩn

Theo tìm hiểu, Daesang là một tập đoàn đa quốc gia tiêu biểu tại Hàn Quốc trong lĩnh vực thực phẩm tổng hợp, chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm đa dạng như thực phẩm ăn liền, thực phẩm đông lạnh. Riêng với lĩnh vực thực phẩm chế biến từ thịt, Daesang cũng sở hữu tiềm năng và năng lực lớn mạnh ở các khía cạnh như: sản xuất, kinh doanh, R&D, quản lý chất lượng và SCM (hệ thống quản trị chuỗi cung ứng) các sản phẩm đông lạnh, trong đó có cả xúc xích, thịt hun khói, jambong. Ngoài Hàn Quốc, hiện tập đoàn này đã đầu tư tại 16 quốc gia khác trên thế giới như: Indonesia, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong…

Ông Cho Nam IL- Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Đức Việt

Trao đổi với PV, ông Cho Nam IL – Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Đức Việt cho biết, thực chất thương vụ này diễn ra từ cuối năm 2015, khi đó tập đoàn Daesang đã nhen nhóm ý tưởng tìm hiểu về thị trường và tìm kiếm một công ty thực phẩm khác tại Việt Nam. Tháng 1/2016, ông và các cộng sự đã thành lập một đội dự án và bắt đầu tìm hiểu về công ty Đức Việt.

“Tập đoàn Daesang quyết định mua lại Đức Việt sau khi đã tìm hiểu kĩ càng về ngành công nghiệp chế biến thịt tại Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp nói chung, cũng như khả năng phát triển của Đức Việt. Thực tế Daesang đã đã đầu tư vào Việt Nam từ 24 năm trước với công ty đầu tiên là Miwon, do đó đã có những hiểu biết nhất định về thị trường thực phẩm Việt Nam và nhận thấy Đức Việt phù hợp với sức mạnh tổng hợp của một tập đoàn chuyên về thực phẩm mang tầm cỡ quốc tế như Daesang” – ông Cho nhận định.

Mặt khác, “đại gia” Hàn Quốc này đã quyết định mua đứt Đức Việt dựa trên nhận định về giá trị đầu tư của các yếu tố mang tính cạnh tranh trên thị trường mà công ty có được bao gồm: chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu, nhân lực chuyên môn, độ bao phủ thị trường, tiềm lực tài chính, năng lực kỹ thuật… “Giá trị thương vụ là 32 triệu USD, dựa trên kết quả điều tra thị trường và giá trị cổ phần tương ứng, cũng như quá trình trao đổi và đàm phán với đội ngũ ban lãnh đạo cũ” – ông Cho tiết lộ.

Bước đi khôn ngoan

Như vậy, sau khi Masan chi ra 2.130 tỉ đồng để nắm giữ 25% cổ phần Vissan thì việc “ông lớn” Hàn Quốc chi hơn 700 tỉ đồng để thâu tóm Đức Việt cho thấy lĩnh vực chế biến xúc xích đang rất hấp dẫn nhà đầu tư. Theo nhận định của giới phân tích, việc thâu tóm được Đức Việt là bước đi khôn ngoan của Daesang trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam.

Thực tế, chế biến thực phẩm là ngành công nghiệp quốc gia đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân. Do đó, ngành công nghiệp thực phẩm, bao gồm ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ thịt được dự báo sẽ duy trì xu thế tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Ông Cho Nam IL nhận định: “Nền công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam sẽ là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, song hành với sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm tại Đông Nam Á. Do đó, dự đoán trong thời gian tới các tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ đầu tư mạnh hơn vào thị trường này. Đặc biệt dựa trên các yếu tố như: thị trường kênh siêu thị đang được hiện đại hóa từng ngày, sự cải tiến cơ sở hạ tầng lưu thông hàng hóa, sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt, tầng lớp người tiêu dùng sáng suốt, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao…”

Nói về định hướng phát triển trong tương lai, vị Tổng Giám đốc mới của Đức Việt khẳng định: “Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một Đức Việt lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, dựa trên năng lực cạnh tranh vốn có kết hợp với bề dày kinh nghiệm và khả năng tài chính của tập đoàn Daesang”.