Hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân không được mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nói gì

ANTD.VN - Theo Thông tư 32, các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… sẽ không được mở, sử dụng tài khoản thanh toán.

Vừa qua, dư luận có một số ý kiến quan ngại liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN đối với việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng về vấn đề này.

Theo Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Điều này có nghĩa các tổ chức không cơ tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… sẽ không được mở tài khoản thanh toán.

Về vấn đề này, theo bà Hoàng Tuyết Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN giải thích, Thông tư 32 được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự 2015 và theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 01/01/2017, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự.

Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện là chủ thể độc lập tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà bản chất là quan hệ hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

“Như vậy, có thể nói việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015” – bà Hoàng Tuyết Minh khẳng định.

Các tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không được mở, sử dụng thẻ thanh toán ngân hàng

Về việc các tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được mở trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, bà Hoàng Tuyết Minh cho biết để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.

“Cụ thể, Thông tư 32 đã quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau: Thứ nhất, rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Thứ hai, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực, thực hiện thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi tài khoản hiện có sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung (đối với trường hợp tài khoản của nhiều cá nhân), thời hạn hoàn tất việc chuyển đổi tài khoản và việc xử lý sau khi kết thúc thời hạn chuyển đổi.

Thứ ba, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản, nếu khách hàng có yêu cầu. Thứ tư, sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản” – đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Riêng đối với văn phòng luật sư, có ý kiến phản ánh việc phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản cá nhân sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục thuế của các văn phòng luật sư, bà Minh cho rằng theo quy định tại Điều 33 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

“Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật Dân sự 2015, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Như vậy, do không có tư cách pháp nhân, văn phòng luật sư không đủ tư cách chủ thể độc lập để mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Thông tư 32 và do vậy, tài khoản thanh toán của văn phòng luật sư thuộc đối tượng phải thực hiện chuyển đổi sang tài khoản của cá nhân”.