Hàng giả, hàng nhái "tung hoành" mạng xã hội (Kỳ cuối): Trách nhiệm chung chung, khó tìm giải pháp

ANTD.VN - Nếu tự chặn hết các quảng cáo liên quan đến hàng hiệu vì lo ngại hàng “fake” tràn lan thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ mất đi khoản doanh thu đáng kể. Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra ngăn chặn các hành vi vi phạm?

Đánh giá về tiềm năng phát triển thương mại điện tử thông qua mạng xã hội nói riêng và các hình thức thương mại điện tử khác nói chung, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: “Tiềm năng bán hàng qua mạng xã hội còn rất lớn. Những người tham gia mạng xã hội chủ yếu tuổi đời còn rất trẻ, nhu cầu mua sắm cao nhất so với các độ tuổi khác. Hơn nữa, sở thích hàng hiệu cũng nổi trội hơn các đối tượng tiêu dùng khác nên hàng “fake” vẫn bán chạy”. 

Cũng theo vị này, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội thường có các cam kết nhất định với người quảng cáo, bán hàng. Tuy nhiên, quy định này chỉ được thực hiện một cách nguyên tắc và ít bị kiểm duyệt trong thực tế vì họ là doanh nghiệp, họ phải kinh doanh và cần có lãi. 

Hàng giả, hàng nhái "tung hoành" mạng xã hội (Kỳ cuối): Trách nhiệm chung chung, khó tìm giải pháp ảnh 1Quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội cũng kéo theo hệ lụy bán hàng giả, hàng nhái tràn lan

Quy định trên giấy

Có lượng người dùng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, quảng cáo bán hàng cũng nhiều nhất kéo theo vô số trường hợp bán hàng giả, hàng nhái vi phạm, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, người phát ngôn của Facebook cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người cảm thấy an toàn khi sử dụng Facebook, do đó, chúng tôi có những Tiêu chuẩn Cộng đồng (Community Standards) và Chính sách quảng cáo (Advertising Policies) liệt kê chi tiết những gì có thể và không thể được chia sẻ và quảng cáo trên Facebook”.

Đại diện Facebook chia sẻ: “Chính sách quảng cáo cung cấp những hướng dẫn cụ thể về loại nội dung nào được phép quảng cáo, cấm các quảng cáo có mục đích tạo lập, tạo điều kiện hoặc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cũng như các hoạt động bất hợp pháp. Khi các nhà quảng cáo thiết lập mẫu quảng cáo của họ, mỗi mẫu quảng cáo này đều được xem xét kỹ càng dựa vào các chính sách này”. 

Không đi vào những trường hợp cụ thể, đại diện Facebook chỉ khẳng định rất coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các vấn đề liên quan đến hàng giả. “Các điều khoản và chính sách quảng cáo của chúng tôi cấm người dùng đăng nội dung vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba” - người phát ngôn của Facebook nói.

Dù chính sách của Facebook là như vậy nhưng thực tế hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên các tài khoản Facebook của người dùng Việt Nam. Rõ ràng, các quy định của Facebook chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và dường như mạng xã hội này cũng ít quan tâm tới việc xử lý tình trạng này ở Việt Nam, ít nhất là tới thời điểm này. 

Kiểm soát cách nào? 

Thông thường, để ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên mạng, cơ quan quản lý thường yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ đặt ra các thuật toán, các từ khóa để ngăn chặn bằng biện pháp kỹ thuật. Vậy phương án này có khả thi đối với trường hợp bán hàng giả, hàng nhái qua mạng xã hội?

“Chính sách quảng cáo cung cấp những hướng dẫn cụ thể về loại nội dung nào được phép quảng cáo, cấm các quảng cáo có mục đích tạo lập, tạo điều kiện hoặc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cũng như các hoạt động bất hợp pháp. Khi các nhà quảng cáo thiết lập mẫu quảng cáo của họ, mỗi mẫu quảng cáo này đều được xem xét kỹ càng dựa vào các chính sách này”.

Người phát ngôn Facebook

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay: “Thông tin hàng hiệu và các nhãn hiệu nổi tiếng rất quen thuộc, thông dụng nên về mặt nguyên tắc thì hoàn toàn có thể chặn được. Nhưng nếu chặn dựa trên từ khóa là tên gọi các mặt hàng này như: túi LV, túi MK… sẽ đồng nghĩa chặn luôn cả hàng thật cùng với hàng giả, trong khi ngăn quảng cáo hàng thật là không đúng. Thực tế, việc phân biệt hàng thật, hàng giả khi cầm chúng trên tay cũng không hề dễ dàng chưa kể trên mạng ảo. Nói cách khác, muốn ngăn chặn hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên mạng xã hội, không sử dụng được công cụ kỹ thuật”.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, cơ quan quản lý có thể kiểm soát bằng phương thức hậu kiểm với hình thức kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội, chẳng hạn như biện pháp thu thuế người bán hàng qua Facebook được đề cập trong thời gian vừa qua. “Dù nick người bán hàng là nick ảo, nhưng ở khâu thanh toán cuối cùng, thông tin thật bao giờ cũng được thể hiện nên chúng ta có thể kiểm soát ở khâu này”, chuyên gia của Bkav gợi ý.

Đồng quan điểm, vị chuyên gia về thương mại điện tử thẳng thắn nói: “Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng lưu thông trên thị trường, trên mạng chủ yếu là của cơ quan Quản lý thị trường. Hiện nay, vai trò kiểm soát của lực lượng chức năng đối với hoạt động kinh doanh trên mạng còn khá mờ nhạt. Tuy nhiên, để hiệu quả đấu tranh cao, bản thân doanh nghiệp chân chính cần chủ động lên tiếng đòi quyền lợi, liên hệ với lực lượng Công an, quản lý thị trường… để cung cấp thông tin hàng giả, hàng nhái. Nếu để các lực lượng quản lý thị trường tự kiểm tra, xử phạt sẽ dẫn đến dàn trải, không đủ nhân lực vật lực và không khả thi”.