Hải quan chật vật với những khoản nợ thuế khó đòi

ANTD.VN - Cũng giống như ngành thuế, ngành hải quan cũng đang phải “ôm” một khoản nợ thuế gần như không thể đòi được nhưng lại ngày càng “phình to” do phạt chậm nộp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tổng số 5.406 tỷ đồng tiền nợ thuế của ngành Hải quan hiện nay thì có tới 3.770 tỷ đồng nợ thuế được phân vào diện nợ khó thu. Mặc dù không có khả năng thu hồi nhưng số nợ dạng này vẫn ngày càng tăng lên vì tiền phạt chậm nộp 0,03%/ngày.

Hầu hết khoản nợ này đều phát sinh trước 1/7/2013 - thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực. “Các khoản nợ trước 2013 rất khó thu, có doanh nghiệp nợ từ thời bao cấp đến giờ, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, chủ doanh nghiệp đã chết…

Có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp là người Hàn Quốc đã phá sản doanh nghiệp và bỏ về Hàn Quốc thời gian dài, vừa rồi chúng tôi phải gửi danh sách đến Đại sứ quán Hàn Quốc để yêu cầu chủ doanh nghiệp trở lại thực hiện nghĩa vụ thuế ” – ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết.

Nhiều khoản nợ thuế tại Hải quan không có khả năng thu hồi

Từ sau 1-7-2013, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng, nên gần như không phát sinh nợ thuế đối với hàng nhập khẩu.

Nợ thuế trong giai đoạn này chủ yếu do ấn định thuế. Với những khoản nợ này, Hải quan có nhiều cách quản lý như xác minh tại địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, công an để truy tìm chủ doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo cơ quan Hải quan, nhiều trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh cũng gây khó khăn cho cơ quan hải quan.

Ông Lê Mạnh Hùng nêu ví dụ về một trường hợp tại Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum. Một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ bạch đàn để sản xuất hàng xuất khẩu và được miễn thuế. Tuy nhiên, cơ quan hải quan phát hiện doanh nghiệp này không hề sản xuất mà lại bán luôn số nguyên liệu này ra thị trường, do đó đã tiến hành kiểm tra, truy thu khoảng 1,3 tỷ đồng tiền thuế.

Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan cử người tới địa chỉ sản xuất của doanh nghiệp để kiểm tra thì doanh nghiệp này đã trốn bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Sau thời gian dài truy tìm dấu vết doanh nghiệp này, Hải quan Gia Lai - Kon Tum phát hiện chủ doanh nghiệp đã làm chứng minh thư, hộ khẩu mới và thành lập một doanh nghiệp mới tại Bình Dương. Hải quan Gia Lai- Kon Tum đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để khởi tố về tội trốn thuế.

Trong trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tại Hải quan TP.HCM, Hải quan cảng Tân Sơn Nhất nghi ngờ doanh nghiệp khai giá trị hàng hóa thấp nên đã thực hiện kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Tuy nhiên, hải quan không nhận được phản hồi của chủ doanh nghiệp.

Khi hải quan tìm đến địa chỉ chủ doanh nghiệp để tống đạt quyết định nộp thuế thì người đứng tên chủ doanh nghiệp là một phụ nữ, cho biết không biết và không có quan hệ gì với doanh nghiệp nói trên cũng như lô hàng nhập khẩu.

“Hỏi ra thì mới biết trước đó, người phụ nữ này có nộp hồ sơ xin việc ở một thẩm mỹ viện và không được nhận. Sau đó, hồ sơ này đã bị đối tượng xấu chuyển sang cơ quan đăng ký kinh doanh để đứng tên thành lập doanh nghiệp” – ông Lê Mạnh Hùng cho biết.