Hà Nội thí điểm tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây sạch

ANTD.VN - Việc bố trí các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng mua được thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng. 

Thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội, trong tháng  12-2017, mỗi quận nội thành sẽ có một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây. Sở Công Thương Hà Nội đang đốc thúc các quận triển khai.

Hà Nội thí điểm tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây sạch ảnh 1Hà Nội thiết lập lại trật tự hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố

An toàn nhưng phải thuận tiện

Mặc dù tại nhiều quận nội thành Hà Nội, trái cây bán rong đã bị cấm từ lâu, song trên thực tế, hoạt động kinh doanh mặt hàng này vẫn lộn xộn. Ngay tại quận Hoàn Kiếm, tại một số tuyến phố ở khu vực có nhiều văn phòng, cơ quan như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nam Ngư, Phan Bội Châu… vẫn có nhiều hàng rong bán trái cây, đông nhất là vào các buổi trưa. Tại các tuyến phố khác, các cửa hàng trái cây chủ yếu vẫn tự phát, thô sơ.

Chị Nguyễn Hồng Anh (nhân viên văn phòng tại phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi vẫn thường mua trái cây bán tự phát ở vỉa hè, ngõ nhỏ hay của người bán hàng rong ở gần công ty. Chẳng biết các loại trái cây này có xuất xứ từ đâu, an toàn hay không nhưng cảm quan cho thấy, trái cây bán ở những nơi này rất bụi bặm, không được bảo quản đúng cách”.

Cho rằng việc mua trái cây bán rong hay mua tại các sạp hàng bên đường rất thuận tiện, giá cả phải chăng nhưng chị Đặng Hải Yến (phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vẫn băn khoăn. “Mua đồ tại các sạp này thì cứ nhắm mắt cho qua thôi, chẳng biết độc hại, mất an toàn như thế nào. Người mua chỉ biết khi sử dụng không đau bụng hay ngộ độc, còn về lâu dài nếu trái cây không an toàn, tích tụ độc lại gây bệnh thì đành chịu”, chị Đặng Hải Yến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hải (tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), người tiêu dùng luôn mong muốn được mua thực phẩm, hàng hóa an toàn cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, việc tổ chức bán hàng cần thuận tiện cho người mua, giá cả phải hợp lý và thông tin sản phẩm phải trung thực. Có như vậy người tiêu dùng mới tìm đến các điểm bán hàng an toàn thay vì mua bán ngay bên lề đường như bây giờ.

Bà con tiểu thương băn khoăn

Theo kết quả điều tra, khảo sát đợt 1 của Sở Công Thương Hà Nội, 12 quận nội thành Hà Nội có 1.036 cửa hàng kinh doanh trái cây. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ, lẻ, số lượng hàng hóa kinh doanh ít và mua từ các chợ đầu mối, ít chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa... Bên cạnh đó, tình trạng bán trái cây rong, trái cây còn tồn dư hóa chất vẫn diễn biến phức tạp. 

Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” đặt mục tiêu, năm 2017, 60% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành Hà Nội có đăng ký kinh doanh; Có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng... Từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2018, thành phố sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại đề án; Kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; Kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Biết được thông tin này đã lâu, chị Nguyễn Thị Lưu (Tiểu thương kinh doanh hoa quả tại phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho hay: “Nếu các cửa hàng phải trang bị thêm thiết bị bảo quản trái cây đạt tiêu chuẩn quy định thì chúng tôi không có tiền để đầu tư. Hơn nữa, chưa chắc trái cây trong các cửa hàng được gắn biển của Đề án này đã đảm bảo an toàn! Nhu cầu tiêu dùng trái cây của người dân rất lớn, mà đáp ứng đủ thì chủ yếu nguồn nhập từ chợ đầu mối Long Biên. Đầu vào như nhau cả, nếu các cửa hàng phải chuyển đổi và buộc phải bán giá cao hơn, chất lượng vẫn mù mờ thì ai mua?”- tiểu thương này lo lắng.

Cùng chung nỗi lo này, anh Nguyễn Duy Đức (chủ cửa hàng trái cây trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thừa nhận, đúng là hoạt động kinh doanh trái cây đang rất lộn xộn, tự phát, cần phải sắp xếp lại cho văn minh và nâng cao chất lượng, song để người dân đồng tình thực hiện, cần có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi, đồng thời có hình thức kinh doanh hợp lý cho người bán rong, cho các tiểu thương khác nhằm đảm bảo tính cạnh tranh. 

“Người tiêu dùng luôn mong muốn được mua thực phẩm, hàng hóa an toàn cho sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, việc tổ chức bán hàng cần thuận tiện cho người mua, giá cả phải hợp lý và thông tin sản phẩm phải trung thực. Có như vậy người tiêu dùng mới tìm đến các điểm bán hàng an toàn thay vì mua bán ngay bên lề đường”.

Bà Nguyễn Thị Hải (Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội)

“Đúng là hoạt động kinh doanh trái cây đang rất lộn xộn, tự phát, cần phải sắp xếp lại cho văn minh và nâng cao chất lượng, song để người dân đồng tình thực hiện, cần có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi, đồng thời có hình thức kinh doanh hợp lý cho người bán rong, cho các tiểu thương khác nhằm đảm bảo tính cạnh tranh. 

Anh Nguyễn Duy Đức (Chủ cửa hàng trái cây trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)