Hàng giả, hàng nhái “tung hoành” mạng xã hội (3)

Đủ trò kiếm chác, lúng túng xử lý, loay hoay phòng ngừa

ANTD.VN - Những dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng nhái, hàng giả trên mạng xã hội đang diễn ra khá phổ biến, song khi đặt ra vấn đề kiểm soát, xử lý của các lực lượng chức năng, chúng tôi đa phần nhận được những cái… lắc đầu?!

Thực tế cho thấy, số vụ việc bị xử lý hình sự liên quan đến chiêu trò kinh doanh bát nháo trên mạng xã hội chỉ như muối bỏ biển. Sự bị động, lúng túng của các cơ quan chức năng càng khiến “thị trường mạng” trở nên phức tạp.

Đủ trò kiếm chác, lúng túng xử lý, loay hoay phòng ngừa ảnh 1Việc kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội đang rất phổ biến hiện nay

“Vai diễn” trong “kịch bản” lừa

Theo chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng Internet chủ yếu đối với các mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm, túi xách, điện thoại di động, đồ gia dụng... bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. 

Phổ biến là chiêu trò lập website bán hàng không rõ nguồn gốc, đăng bán các mặt hàng có giá ưu đãi so với các trang bán hàng uy tín, nhận tiền đặt hàng qua tài khoản nhưng sau đó chuyển hàng kém chất lượng hoặc không đúng như đơn đặt hàng cho khách để trục lợi. Có đối tượng còn đặt sản xuất gia công trong nước theo mẫu mã trên mạng, hoặc mua sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ từ nước ngoài đưa về Việt Nam đóng gói lại, giả làm hàng xách tay để bán giá cao. “Do giá trị hàng không cao nên khi biết bị lừa, nhiều người đành ấm ức cho qua vì cũng chẳng biết đối tượng bán hàng ở đâu”, chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử nhìn nhận. 

Kiểu lừa thường thấy khác là lập nhiều tài khoản bán hàng online, copy hình ảnh các sản phẩm trên các trang bán hàng có uy tín rồi đăng thông tin giảm giá “sốc” để thu hút người mua, đề nghị người mua phải chuyển tiền trước để giữ hàng, nếu không sẽ hết.

Cách thức này được đối tượng Trần Xuân Đông (SN 1996), ở phường Đông Thọ, Thanh Hóa thực hiện. Trần Xuân Đông lập và sử dụng nhiều tài khoản Facebook đăng tải, quảng cáo bán nhiều mẫu quần áo thời trang giá rẻ theo phương thức chuyển tiền trước, trả hàng sau. Các mẫu quần áo này do Đông copy trên các trang web chuyên bán hàng quần áo về. Sau khi người mua chuyển tiền, Đông chiếm đoạt, khóa tài khoản và cắt điện thoại đã sử dụng để liên hệ với khách. Trong thời gian dài, Trần Xuân Đông đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 400 triệu đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.  

Tinh quái hơn cả là thủ đoạn làm giả biên lai chuyển phát nhanh, giả nhân viên giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền hàng của người mua hàng online. Các đối tượng lừa đảo kiểu này khá chuyên nghiệp, hoạt động theo nhóm, phân công nhiệm vụ, “vai diễn” trong “kịch bản” lừa. Có ít nhất 2 ổ nhóm tội phạm hoạt động bằng chiêu trò này đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và CATP Hà Nội điều tra, bắt giữ. Các đối tượng đăng tin bán điện thoại iPhone đời mới giá thấp hơn nhiều so với giá đang bán trên thị trường. Sau khi người mua liên lạc, thỏa thuận việc mua bán, các đối tượng yêu cầu chuyển trước 50-70% giá trị hàng.

Nhận được tiền, đối tượng làm giả hóa đơn dịch vụ chuyển phát nhanh ghi nội dung nhận chuyển hàng đến địa chỉ mà người mua cung cấp rồi chuyển bản ảnh chụp hóa đơn giả mạo này cho người mua. Tiếp đó, một đối tượng đóng giả nhân viên chuyển phát nhanh, liên lạc với người mua đề nghị xác nhận địa chỉ nhận bưu phẩm và yêu cầu thanh toán nốt tiền cho bên bán mới giao hàng. Sau khi người mua chuyển hết tiền cũng là lúc trò lừa “hạ màn”. Các đối tượng cắt điện thoại khiến người mua không biết đâu mà tìm.

Khó truy chứng cứ vi phạm

Trong khi các chiêu trò lừa gạt qua Internet bị các “khổ chủ” phản ánh trên mạng xã hội khá đều đặn, thì các lực lượng chức năng mà phóng viên tiếp xúc, tìm hiểu đều thừa nhận một tình trạng - đó là hết sức khó khăn trong công tác điều tra, truy xét. 

Theo đánh giá cũng như thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát kinh tế và Quản lý thị trường tại Hà Nội nói riêng, trong bạt ngàn giao dịch hàng hóa qua mạng xã hội, nếu không có những thông tin tố cáo về con người, sự việc cụ thể, sẽ rất khó để cơ quan chức năng nắm bắt và tiến hành điều tra.

Chỉ huy Đội Chống hàng giả, Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội cho biết, để tiến hành trinh sát, xác minh thông tin về hàng giả, hàng lậu, hàng nhái trên mạng không hề đơn giản. Phổ biến hiện nay là nhiều “đại lý”, “công ty” bán hàng qua mạng thực tế chẳng có kho hàng, nhân viên gì. Họ rao bán đủ chủng loại hàng hóa, khi gặp khách đặt mua mới kết nối đầu mối cung cấp hàng, rồi thuê người vận chuyển cho khách. Đầu mối ấy ở đâu? Tử tế thì được hàng từ nước ngoài về, nhưng chất lượng thế nào thì… thời gian mới biết; còn dạng cơ hội, chụp giật, sẽ ra ngay mấy chợ đầu mối lớn về hàng gia dụng, mang về gia cố chút nhãn mác rồi bán cho khách.

Việc truy nguyên nguồn gốc hàng, kho hàng, đối tượng bán hàng đã khó; để chứng minh sản phẩm đó là hàng giả, hàng nhái còn khó hơn nhiều. Theo chỉ huy Đội Chống hàng giả, Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội thì lâu nay, cơ quan chức năng thường ít nhận được sự chủ động hợp tác từ các nhãn hàng, thương hiệu lớn. Ngay cả khi lực lượng Công an hay Quản lý thị trường thu giữ được hàng hóa, sản phẩm nghi vấn giả, nhái; nhưng nếu không có sản phẩm chính hãng để đối chiếu, hoặc không có đơn khiếu nại, thì cũng không đủ cơ sở để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng chỉ có thể áp dụng biện pháp xử lý, tịch thu hàng hóa theo hướng hàng không rõ nguồn gốc. Song, chế tài này không đủ sức để răn đe.

Nhìn nhận về thực tế hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội cũng như trách nhiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng, luật sư Vi Văn Diện, Công ty Luật Thiên Minh cho rằng cơ quan Quản lý thị trường, lực lượng Công an phải có công cụ pháp lý đủ mạnh, phương tiện hỗ trợ hiện đại, cách thức tiếp cận phải mới mẻ, tương thích với đặc thù kinh doanh qua mạng, thì mới đảm bảo công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng có hiệu quả.

“Đã là hoạt động kinh doanh hàng hóa thì người bán hàng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về chất lượng hàng hóa, không được quảng cáo gian dối, sai sự thật, lừa dối khách hàng về chất lượng hàng hóa. Ở mức độ nhẹ, người bán hàng không đảm bảo chất lượng hàng hóa sẽ bị xử phạt hành chính; mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý về hành vi quảng cáo sai sự thật”.

Luật sư Vi Văn Diện (Công ty Luật Thiên Minh)

(Còn tiếp)