Đóng bảo hiểm xã hội cao, doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh

ANTD.VN - Một số chuyên gia lao động cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cao dẫn đến việc các nhà đầu tư rút vốn, lao động thất nghiệp gia tăng là nguy cơ hiện hữu.

Từ ngày 1-1-2018, quy định nền đóng BHXH sẽ là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung thay vì tiền lương như hiện nay. Khi quy định nền đóng BHXH tăng kéo theo chi phí của doanh nghiệp cũng tăng, doanh nghiệp khó cạnh tranh, có thể dẫn đến giảm cầu lao động khu vực chính thức.

Người lao động cũng thiệt thòi

Đa số các doanh nghiệp bấy lâu nay vẫn “chẻ nhỏ” thu nhập của người lao động thành nhiều khoản và chọn mức lương để đóng BHXH cho người lao động chỉ khoảng 50-60% tổng thu nhập. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp thường thực hiện 2 hệ thống bảng lương song song.

Một bảng lương tính theo lương tối thiểu để đóng BHXH, một bảng lương là thu nhập thực lĩnh của người lao động. Bảng lương thứ nhất thường thấp hơn bảng lương thứ hai một vài triệu đồng. Khoản tiền chênh lệch này được doanh nghiệp chi dưới danh nghĩa làm thêm giờ, tiền chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, điện thoại hoặc các khoản phụ cấp, bổ sung khác.

Những doanh nghiệp lâu nay chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu sẽ có thay đổi lớn về chi phí khi cách tính đóng mới được áp dụng. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ bị tác động theo một cách khác nhau, nhưng đa số cho rằng mức đóng BHXH cao giảm năng lực cạnh tranh, giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất. 

Nhiều chuyên gia lo ngại để hạn chế tác động lên doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ dựa vào quy định những khoản thu nhập không ổn định để lách luật nhằm giảm được phần thu nhập tính BHXH hoặc cắt giảm các khoản thu nhập “mềm”, hạn chế các khoản phụ cấp để đảm bảo chi phí sản xuất. Dù lựa chọn cách nào thì người lao động vẫn chịu thiệt thòi.

Phụ cấp và các khoản bổ sung tính đóng BHXH

Giải đáp vướng mắc về việc đóng BHXH trên tổng thu nhập gây áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, thông tin đóng BHXH trên tổng thu nhập là chưa chính xác. Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1-1-2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mức lương đóng BHXH sẽ là lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp và các khoản bổ sung. Chỉ những khoản phụ cấp, bổ sung ổn định mới là căn cứ tính đóng BHXH, còn những khoản phụ cấp, bổ sung có tính biến động, phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.

Trước băn khoăn mức đóng BHXH cao ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình tăng từ từ, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ năm 2016 đến hết năm 2017 là mức lương và phụ cấp lương. 

Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết cũng chỉ rõ các khoản phụ cấp, bổ sung nào sẽ dùng để đóng BHXH. Do đó, đã tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp do tác động kép của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức đóng BHXH.

Về băn khoăn mức đóng BHXH cao khiến các nhà đầu tư rút vốn hoặc tìm kiếm thị trường khác, Thứ trưởng Bộ  LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, các nhà đầu tư bao giờ cũng hạch toán cụ thể chi phí sản xuất và lợi nhuận thu được. Các chi phí ở đây bao gồm chi phí vốn, chi phí nguyên vật liệu, khấu hao, chi phí lao động và các chi phí khác.

Chi phí lao động đâu có chỉ là tiền lương. Đó ít nhất  là tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, phúc lợi cho người lao động chẳng hạn. Tất cả những thứ đó cộng lại là giá lao động. Chừng nào hạch toán còn có lợi, họ vẫn tiếp tục hoạt động.

Tin cùng chuyên mục