Doanh nghiệp và bài toán đầu tư cho nhân lực trẻ

ANTD.VN -Nhân lực trẻ là lực lượng được coi là tiềm năng của mỗi doanh nghiệp. Việc đầu tư cho nhân lực trẻ và tạo lộ trình thăng tiến hợp lý luôn là định hướng đúng đắn của bất kỳ một tập đoàn lớn mạnh nào. Bởi, sự phát triển của doanh nghiệp luôn song hành với niềm tin và lộ trình phát triển bền vững mà doanh nghiệp đó tạo ra được với các nhân sự trẻ của mình. Song không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận bỏ ra những đầu tư lớn cho các chương trình đào tạo và huấn luyện nhân sự trẻ, bởi định kiến “người trẻ hay nhảy việc”.

Nguồn nhân lực “vàng” 8X, 9X

Một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các công ty ngày nay đó chính là nguồn nhân lực sáng tạo, có tư duy phản biện, và dám nghĩ dám làm. Trên thế giới, nguồn nhân lực trẻ  được đánh giá là được đào tạo tốt nhất hiện nay thuộc về thế hệ Y, hay còn gọi là thế hệ 8X và 9X theo cách nói của Việt Nam. Theo dự đoán đến năm 2025, thế hệ Y sẽ chiếm tới 75% lực lượng lao động toàn cầu.

Các chuyên gia nhân sự cho biết, việc đưa vào sử dụng nguồn nhân lực trẻ sẽ tác động rất tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng lực lượng lao động trẻ với hiệu quả rất khác nhau. Không ít doanh nghiệp nhỏ trong nước tìm mọi cách tận dụng nguồn nhân lực, thiếu kế hoạch và phân công rõ ràng.

Bạn Hoàng Anh, tốt nghiệp một ĐH lớn tại Hà Nội, đang làm chuyên viên tại một doanh nghiệp nhỏ cho biết: “Mới ra trường, xin việc khó khăn, mình xin làm ở đây một thời gian mà  kiêm nhiệm đủ thứ, thủ quỹ, kế toán, trà nước, có lúc còn phải đi đưa đón con cho sếp… Thực sự thấy nản quá.”

Không có môi trường làm việc chuyên nghiệp, các bạn trẻ không chỉ kém nhiệt tình và hứng thú làm việc mà còn đánh mất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, kỹ năng. Mặt khác, con đường vào các doanh nghiệp lớn cũng không hề dễ dàng đối với lao động trẻ.

Chị Nguyễn Hoàng Miên, phụ trách nhân sự tại một ngân hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra tiêu chí kinh nghiệm bên cạnh bằng cấp nhằm tránh mất nhiều thời gian và công sức cho việc đào tạo lại đội ngũ nhân sự mới. Dù biết điều này sẽ gây bất lợi cho nguồn nhân lực trẻ tuổi nhưng vẫn buộc phải làm vậy vì lĩnh vực tài chính, ngân hàng chịu áp lực lớn về hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.”

Mạnh dạn “đi ngược lối mòn”

Ở Việt Nam, ước tính trong 3 năm tới, thế hệ Y sẽ là thành phần lớn nhất, chiếm hơn 43% lực lượng lao động. Thế hệ Y ở Việt Nam là một thế hệ cởi mở, năng động, có cá tính và lòng nhiệt huyết, đam mê công việc nhưng đôi khi lại thiếu kiên nhẫn. Họ luôn muốn được thể hiện bản thân và sẵn sàng thay đổi, vì vậy họ xem “nhảy việc” hai, ba lần trong một năm là chuyện bình thường dẫn đến tình trạng thiếu kinh nghiệm làm việc. Nếu các nhà tuyển dụng chỉ ưu tiên người đã “quen việc”, sẽ có một khoảng cách lớn giữa nhà tuyển dụng và những lao động trẻ.

Hàng năm có một số lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng và đào tạo tại Techcombank

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là một trong số ít các doanh nghiệp trong nước có lực lượng trẻ đông đảo (90% lực lượng lao động là thế hệ Y), không những thế nhiều người còn được giữ vị trí cao trong tập thể công ty, hiện hơn 72% các vị trí quản lý (từ trưởng nhóm trở lên) của Techcombank do thế hệ Y nắm giữ.

Theo chia sẻ của Lê Quốc Trọng, trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp Techcombank Chi nhánh Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh, một 8X tiêu biểu vừa được vinh danh Hipers - CBNV có thành tích xuất sắc của Techcombank:

“Môi trường làm việc ở đây hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho nhân viên học hỏi và phát huy năng lực. Dù bạn còn trẻ, chỉ cần bạn có năng lực, bạn sẽ được trao cơ hội phát triển, đó là điều tôi tâm đắc nhất ở Techcombank.”

Doanh nghiệp và bài toán đầu tư cho nhân lực trẻ ảnh 2

Hiện nay, hơn 72% các vị trí quản lý (từ trưởng nhóm trở lên) của Techcombank do thế hệ Y nắm giữ

Được biết, hàng năm, Techcombank có tỷ lệ ứng viên mới ra trường được tuyển dụng lên tới 60 - 65%. Sau khi được tuyển dụng, các nhân viên mới được tham gia các khóa học thường niên nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên nghiệp. Điều này cho thấy nguồn nhân lực chính của ngân hàng không đến từ việc “săn” nhân sự từ nơi khác mà là do mạnh dạn tuyển dụng và đầu tư đào tạo nhân sự trẻ một cách bài bản và liên tục ngay từ đầu.

Việc Techcombank chấp nhận đầu tư đào tạo phát triển lao động trẻ, đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng đi ngược lại với lối tư duy quen thuộc của nhiều doanh nghiệp hiện nay.  Chiến lược này thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo trong việc hiện thực hóa tiềm năng của lực lượng nhân lực trẻ nhằm xây dựng nội lực bền vững cho doanh nghiệp.

Theo kết quả công bố bởi AC Nielsen và Anphabe trong cuộc khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016”, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được bình chọn vào Top 2 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành Tài chính và ngân hàng, và xếp hạng 18 trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, tăng 11 bậc so với năm 2015.