Doanh nghiệp Nhà nước ít công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng

ANTD.VN - Ngày 26-4, Tổ chức hướng tới minh bạch đã công bố "Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam”- TRAC Việt Nam 2017.

TRAC Việt Nam 2017 cho thấy, việc công khai thông tin của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Đây là dấu hiệu cho thấy tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn ở cả khu vực tư nhân và nhà nước vẫn chưa chú trọng, đề cao và thực hành tính minh bạch trong các vấn đề được đánh giá.

Việc công bố thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng của 30 doanh nghiệp còn yếu, chỉ đạt mức điểm trung bình là 10%. Ở khía cạnh này, điểm số của các doanh nghiệp Nhà nước chỉ 2%, các công ty niêm yết là 5%, thấp hơn mức 24% của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi điểm số của các công ty đa quốc gia hàng đầu tại thị trường mới nổi được đánh giá vào năm 2016 là 48%.

Không có công ty nào trong các công ty được đánh giá thực hiện công bố các thông tin tài chính cơ bản về hoạt động ở nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp công khai loại thông tin này.

Kết quả trung bình về khía cạnh minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của daonh nghiệp là 32%. Số doanh nghiệp đạt điểm tích cực trong khía cạnh này cũng cao nhất: 18 trong số 30 doanh nghiệp được đánh giá, trong đó đều là các công ty niêm yết và doanh nghiệp Nhà nước, vì họ có nghĩa vụ phải công khai thông tin cơ bản về các công ty con và công ty liên kết theo quy định của pháp luật.

TRAC Việt Nam 2017 lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, thực hiện đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất được lựa chọn theo bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp xếp hạng lớn nhất Việt Nam năm 2015 (VNR 2015), gồm 10 công ty niêm yết, 10 công ty 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 10 doanh nghiệp Nhà nước.

Các doanh nghiệp Nhà nước bao gồm: Tổng Công ty viễn thông MobiFone, Tổng Công ty TM- XNK Thanh Lễ; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh; Ngân hàng NN&PTNT; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông; Tổng Công ty lương thực miền Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc tổ chức hướng tới minh bạch cho hay, doanh nghiệp đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của đối tác. Một số doanh nghiệp từ chối đưa hối lộ lại nhận được sự tôn trọng hơn từ đối tác và giao dịch lần sau suôn sẻ hơn.

"Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí không chính thức và đáp ứng yêu cầu của đối tác kinh doanh tại các thị trường quan tâm đến tính liêm chính của doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện để doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế"- bà Nguyễn Thị Kiều Viễn nhấn mạnh.