Điểm tên cổ phiếu thăng hoa và lý giải cơn sốt lạ của thị trường chứng khoán

ANTD.VN - Chỉ hơn 1 tháng sau khi cán mốc 800 điểm, VN-Index đã tăng phi mã, đạt hơn 935 điểm chốt tuần vừa qua. Trong “cơn say” của sự thăng hoa, không ít người lại lo lắng về điệp khúc “bạo phát, bạo tàn” đã từng xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây chưa lâu.

Điểm tên cổ phiếu thăng hoa và lý giải cơn sốt lạ của thị trường chứng khoán ảnh 1Sự tăng tốc “thần kỳ” của thị trường chứng khoán đang tập trung ở những mã cổ phiếu lớn

Sự bứt tốc thần kỳ

Cả năm 2015, VN-Index chỉ tăng được gần 40 điểm; năm 2016 là hơn 80 điểm. Thế nhưng, chỉ gần 11 tháng đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 250 điểm. Thị trường thăng hoa quá sức tưởng tượng của hầu hết giới đầu tư và cả các chuyên gia, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán (TTCK) có mức tăng tốt nhất trong khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, sự bùng nổ của lại không xảy ra với toàn thị trường mà chỉ tập trung vào một nhóm cổ cổ phiếu nhất định. Nếu như giai đoạn khoảng 8 tháng đầu năm, sự đi lên của thị trường lan tỏa đến hầu hết các nhóm cổ phiếu thì khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường lại gần như chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn hoặc những cổ phiếu có “câu chuyện”.

Trong đó, VNM (Vinamilk) hay VIC (Vingroup), và mới đây là VRE (Vincom Retail)... là đại diện cho những cổ phiếu bluechip tăng giá nhờ động lực là nền tảng doanh nghiệp. Với VNM, động lực tăng giá đến từ việc bán vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thu hút dòng vốn ngoại lớn đổ vào những cổ phiếu này. Trong vòng khoảng 2 tháng, VNM đã tăng hơn 25%.

Trên đà thăng hoa, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng có sự bứt tốc thần kỳ khi tăng gần gấp đôi so với cách đây 6 tháng, chốt tuần qua ở mức 74.500 đồng/cổ phiếu. Đà tăng mạnh của VIC được cho là đến từ thông tin Vingroup “khai sinh” một lĩnh vực kinh doanh mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn là sản xuất ô tô; cùng với đó là sự cộng hưởng từ việc niêm yết của Vincom Retail. Trong khi đó, VRE - cổ phiếu của Vincom Retail - một cổ phiếu mới niêm yết hơn nửa tháng cũng đã tạo một “cơn bão” trên thị trường khi tăng giá tới gần 55% so với giá chào sàn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VRE có giá 50.600 đồng tương đương vốn hóa gần 96.200 tỷ đồng (4,2 tỷ USD). 

Lý giải cho sự tăng giá ngoạn mục của VRE, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng có thể do kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng của Vincom Retail.

“Muốn đánh giá tiềm năng doanh nghiệp thì trước tiên phải nhìn vào ban lãnh đạo và tầm nhìn của ông chủ. Ai cũng tin ông Phạm Nhật Vượng là người giỏi, làm được việc. Đó là một trong những lý do VRE tạo được niềm tin cho giới đầu tư”.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, P/E (hệ số giá/lợi nhuận cổ phiếu) của VIC, VRE cao một phần do lợi nhuận hiện tại của Vingroup và Vincom Retail còn thấp nhưng có nhiều dự án lớn đang trong quá trình đầu tư nên nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào sự tăng trưởng trong tương lai.

Một cổ phiếu khác cũng đang khuấy đảo thị trường là ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros. Chỉ từ cuối tháng 6 tới nay, ROS tăng gấp gần 3 lần, đạt mức đỉnh hơn 220.000 đồng. Tuy nhiên, lý do tăng giá của ROS vẫn là một câu hỏi lớn với các nhà đầu tư. 

“Tiệc vui liệu có sớm tàn?”

Dù dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào TTCK nhưng trong “cơn say” này, không ít người lo ngại “tiệc vui nhất cũng là lúc tiệc sắp tàn”, về kịch bản “bạo phát, bạo tàn” đã từng xảy ra với TTCK cách đây chục năm. Có nhiều kịch bản được đưa ra minh họa cho sự hoang mang này. Đầu tiên là khi thị trường trở nên đắt đỏ, có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với việc đầu tư. Đồng thời, cũng có thể “kích hoạt” một đợt sóng chốt lời với nhóm cổ phiếu bluechip trong thời gian sắp tới.

Lo ngại càng lớn khi trong danh mục các cổ phiếu tăng giá mạnh thời gian qua, có cổ phiếu chủ yếu dựa vào những “câu chuyện riêng” mà không phải nhờ nội lực doanh nghiệp. “Khi câu chuyện không còn hấp dẫn, động lực tăng giá sẽ không còn, những cổ phiếu này có thể sẽ lao dốc, kéo thị trường đi xuống”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, thời điểm này, tổng dư nợ “margin” (cho vay để đầu tư cổ phiếu) tại các công ty chứng khoán đã đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, điều này cũng dấy lên lo ngại thị trường sắp chạm ngưỡng - “Trước kia, đỉnh của dư nợ “margin” là 20.000 tỷ đồng, vì vậy thời điểm này nhiều người cho rằng thị trường cũng sắp chạm đỉnh và chuẩn bị điều chỉnh” - Tuy nhiên theo quan sát của vị chuyên gia, thực tế dòng tiền cho TTCK vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm - “Hiện các công ty chứng khoán vẫn huy động được nguồn vốn “margin” và huy động rất dễ. Điều này cho thấy thị trường vẫn rất hấp dẫn”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, về vĩ mô cũng đang có nhiều động lực cho dòng tiền vào TTCK. Thứ nhất là dòng vốn ngoại vẫn đổ vào, các quỹ ngoại liên tục mua ròng, trong đó tập trung mạnh vào các cổ phiếu cơ bản. Thứ hai, môi trường lãi suất ngân hàng thấp cũng đang rất tốt cho TTCK. Hiện lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng chỉ dao động quanh mức 6-7%/năm, trong khi đó VN-Index tăng với tốc độ gấp 3-4 lần con số này, đẩy một phần dòng tiền từ tiết kiệm sang chứng khoán. Thứ ba là việc nở rộ các chứng chỉ quỹ mở thời gian qua là kênh huy động vốn rất tốt cho thị trường từ người dân, các công ty bảo hiểm, từ các định chế tài chính... 

Thanh lọc bớt thị trường, để dòng tiền vào cổ phiếu tốt

Như trên đã phản ánh, dòng tiền đang đổ mạnh vào những cổ phiếu có vốn hóa lớn dường như đã vô tình “bỏ quên” nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ khiến nhiều mã dạng này rớt giá. Đặc biệt, các mã cổ phiếu vốn đã lẹt đẹt thì nay lại càng bết bát hơn. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, đây là quy luật tất yếu của thị trường và xét tổng thể sẽ tốt cho thị trường.

“Chúng tôi muốn thị trường chú ý đến những cổ phiếu quản trị minh bạch, thông tin tốt và quan hệ với nhà đầu tư tốt. Bây giờ hơn 700 doanh nghiệp và sắp tới là đến cả nghìn doanh nghiệp lên niêm yết, mục đích lên niêm yết không phải cho vui mà là để huy động vốn, tạo thanh khoản cho cổ phiếu của mình. Tôi muốn doanh nghiệp nào đáng bị lãng quên thì hãy lãng quên luôn đi, để thanh lọc bớt thị trường, để dòng tiền tập trung vào những cổ phiếu tốt” - ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói và cho biết thêm - “Thanh khoản cổ phiếu chính là giá trị doanh nghiệp, mà doanh nghiệp muốn được có thanh khoản thì phải gây được sự chú ý của thị trường. Mình là hàng tốt thì phải cho thị trường biết mình tốt, phải công bố thông tin đều đặn, phải nói chuyện với nhà đầu tư, tiếp xúc các quỹ...”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc “gây chú ý” phải trên khía cạnh tích cực - “Hiện bên cạnh những cổ phiếu cơ bản thực sự gây được sự chú ý của thị trường thì cũng có một số doanh nghiệp đang “gây chú ý” bằng cách lạm dụng tung tin ảo, đánh bóng một cách quá đà. Họ làm lại website, công bố thông tin không chính xác, thậm chí cố tình công bố thông tin sai lệch, sử dụng “đội lái”... để “đánh bóng” cổ phiếu. Điều này về lâu dài sẽ phản tác dụng”. 

Bởi vậy, theo các chuyên gia, dù thị trường đang “hừng hực khí thế” nhưng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn ít thông tin rất cần cẩn trọng khi lựa chọn mã cổ phiếu để “xuống tiền”. Việc lựa chọn những mã cổ phiếu lớn được cho là có phần an toàn hơn, bởi đây là những mã có rất nhiều công ty chứng khoán viết báo cáo, phân tích, định giá. Do đó, việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn là những đối tượng ít được tiếp cận thông tin, sẽ dễ hơn rất nhiều.

“Có thể do kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng của Vincom Retail. Muốn đánh giá tiềm năng doanh nghiệp thì trước tiên phải nhìn vào ban lãnh đạo và tầm nhìn của ông chủ. Ai cũng tin ông Phạm Nhật Vượng là người giỏi, làm được việc. Đó là một trong những lý do VRE - cổ phiếu của Vincom Retail tạo được niềm tin cho giới đầu tư”.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh(Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI)