Đề nghị nâng lãi suất tiền gửi USD để tránh "chảy máu" ngoại tệ

ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên nhích nhẹ lãi suất huy động USD lên khoảng 0,25-0,5% để tránh “chảy máu” ngoại tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất USD ở mức 0,25-0,5% là phù hợp trong điều kiện hiện nay

Ngày 15-6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất USD lần thứ ba trong vòng 6 tháng. Mặc dù mức tăng đã được dự báo trước và không gây sang chấn cho thị trường tài chính nhưng áp lực lên lãi suất gửi USD trong nước ngày càng lớn. 

Lãi suất 0%, hiếm người gửi USD

Hiện nay, lãi suất cơ bản USD được Mỹ áp dụng ở mức 1 - 1,25%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) áp dụng đã duy trì ở mức 0%/năm từ hơn 1 năm nay. Theo các chuyên gia, chủ trương này trong thời điểm trước đây là đúng đắn và đã phát huy hiệu quả trong việc giảm USD hóa, tăng nguồn cung USD, giúp bình ổn tỷ giá. Tuy nhiên, khi FED liên tục tăng lãi suất thì chính sách này bắt đầu bộc lộ những hạn chế khi mức chênh lệch lãi suất USD trong nước và thế giới ngày càng nới rộng. Nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ và kiều hối suy giảm ngày càng rõ rệt.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN cần điều hành lãi suất USD phù hợp vì việc chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở Việt Nam cũng là nhân tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam. Việc nâng lãi suất USD sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, lẽ ra, việc tăng lãi suất USD trong nước phải bắt đầu từ đầu năm nay, vì thời điểm đó, FED tăng lãi suất đã tạo ra khoảng cách lớn giữa lãi suất tiền gửi USD trên thị trường quốc tế và Việt Nam. “Hiện nay, khoảng cách đã rất lớn, sẽ không có lợi cho Việt Nam và nếu cứ giữ mức 0% như thế này chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch USD ra nước ngoài” - TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định. 

Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, nếu NHNN tiếp tục duy trì lãi suất huy động USD ở mức 0% thì các ngân hàng sẽ khó huy động được USD trong dân. “Lãi suất 0% thì chẳng ai gửi, trừ trường hợp họ có nhu cầu thanh toán thật sự. Trong khi đó, ngân hàng vẫn có nhu cầu ngoại tệ để cho vay, vì vậy chắc chắn ngân hàng sẽ có những chính sách khuyến khích khách hàng gửi tiền để “lách” trần lãi suất” - TS Bùi Quang Tín nói.

Phải chấp nhận áp lực

Theo các chuyên gia, việc nâng lãi suất USD trong nước sẽ ít nhiều gây áp lực lên lãi suất VND nên cần cân nhắc lợi - hại. “Nếu không trả lãi USD thì lãi suất huy động tiền đồng có thể sẽ không cần tăng và vì vậy có thể đảm bảo mục tiêu ổn định lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất tiền đồng từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng khi nhu cầu vốn trung, dài hạn vẫn rất lớn; lạm phát vẫn ở mức cao và nhu cầu vốn lớn để phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%...Việc tăng lãi suất USD sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất tiền đồng, nhưng có lẽ chúng ta cần chấp nhận tác động đó để quân bình thị trường, vì Việt Nam đang cần lượng ngoại tệ lớn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm. 

Cũng theo chuyên gia này, việc tăng lãi suất USD là cần thiết nhưng cần giữ chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD đủ lớn để người dân không chuyển từ tiền đồng sang USD. “Tôi đề xuất mức tăng hợp lý là 0,5%/năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trong khi đó, chuyên gia Bùi Quang Tín đề xuất mức lãi suất USD ở mức 0,25-0,5%/năm. “Mức lãi suất này là không đáng kể và sẽ không gây quá nhiều áp lực lên lãi suất tiền đồng, vì hiện nay lãi suất huy động VND khoảng 7%, vẫn có khoảng cách đủ lớn để người dân không chuyển từ gửi tiền đồng sang USD”, vị chuyên gia nói.

Ở chiều ngược lại, không ít chuyên gia cho rằng việc nâng lãi suất USD sẽ không gây áp lực lên lãi suất VND khi điều này sẽ giúp nguồn cung USD dồi dào hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá. Khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay ngoại tệ, từ đó lãi suất VND cũng sẽ giảm được áp lực vì thị trường có thêm kênh cho vay USD.