Có nên khống chế chi phí mua bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp?

ANTD.VN - Bộ Tài chính muốn khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với mức trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ của doanh nghiệp là 3 triệu đồng/người/tháng. 

Nhiều doanh nghiệp chi mua bảo hiểm nhân thọ để giữ chân người lao động

Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra tại tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 và Nghị định số 12 của Chính phủ. Trước đó, toàn bộ chi phí mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cho người lao động, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Lo doanh nghiệp trục lợi

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp Nhà nước đã chi mua BHNT cho người lao động với giá trị cao so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên và cao hơn nhiều lần so với mức khống chế theo quy định trước đây. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, phần vốn Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

“Qua thực tế công tác kiểm toán đối với một số doanh nghiệp Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nếu không khống chế mức mua BHNT sẽ dẫn đến các doanh nghiệp Nhà nước vận dụng chi mua bảo hiểm nhân thọ ở mức cao, không hợp lý, đồng thời hạch toán vào chi phí được trừ”, Bộ Tài chính cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bảo hiểm nhân thọ là một trong những chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp đối với người lao động. Khoản chi này là hoàn toàn chính đáng, thậm chí nên được khuyến khích nhân rộng thay vì hạn chế.

Dù đây mới là dự thảo nhưng đề xuất trên của Bộ Tài chính đã gây lo lắng cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khi Bộ này dự kiến sẽ áp dụng hồi tố từ ngày 1-7-2016. 

Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thiết kế kiến trúc cho hay, do hoạt động lĩnh vực cần nhiều chất xám đòi hỏi doanh nghiệp phải giữ chân những lao động có kinh nghiệm và uy tín. Do vậy mức BHNT doanh nghiệp bỏ ra cho một số vị trí có thể lên đến 20 triệu đồng/người/tháng.

Nếu khống chế mức chỉ 3 triệu đồng, đồng nghĩa 17 triệu đồng còn lại doanh nghiệp sẽ phải tính vào chi phí chịu thuế, không chỉ gây tăng chi phí cho doanh nghiệp mà còn gây khó cho việc giữ người tài, trong khi người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi.

Nên khuyến khích hay khống chế?

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... đều không đồng tình. Theo VCCI, việc một số doanh nghiệp Nhà nước chi mua BHNT ở mức quá cao cho người lao động thực tế xuất phát từ các kẽ hở về quản lý tiền lương, thù lao và các khoản thu nhập khác, chứ bản chất không phải là vấn đề thuế. 

Trong khi đó, BHNT là một trong những chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp đối với người lao động. Khoản chi này là hoàn toàn chính đáng, thậm chí nên được khuyến khích nhân rộng thay vì hạn chế.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều tung ra các gói sản BHNT, bảo hiểm hưu trí. Trong khi đó, xu hướng các doanh nghiệp chi mua BHNT cho cán bộ chủ chốt đang tăng dần. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu mua bảo hiểm nhân thọ cho tất cả người lao động với mức khoảng 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Tài chính không nên khống chế chi phí này, thậm chí nên khuyến khích để tăng phúc lợi cho người lao động. Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý không nên vì một vài doanh nghiệp Nhà nước mà siết với tất cả các doanh nghiệp. “Phải xác định doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần hóa là chính, còn doanh nghiệp Nhà nước thì rất ít. Đừng vì một vài doanh nghiệp Nhà nước mà làm ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp tư nhân” - ông Phùng Đắc Lộc nói.

Cũng theo chuyên gia này, các quyền lợi của người lao động đều được thể hiện ở hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế tài chính doanh nghiệp, nên Nhà nước quản lý được hết, không sợ thất thoát. Hơn nữa, khi doanh nghiệp mua BHNT thì Nhà nước cũng “không thiệt bao nhiêu”. 

“Nhà nước chỉ thiệt 20% thuế TNDN, nhưng ông chủ thiệt đến 80%, và quan trọng là khi người lao động lĩnh quyền lợi bảo hiểm vẫn phải nộp 10% thuế TNCN. Hơn nữa, số tiền doanh nghiệp chi mua BHNT này lại quay lại đầu tư vào nền kinh tế, chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, nên Nhà nước chưa chắc đã thiệt” - ông Phùng Đắc Lộc phân tích.

Cũng với lý lẽ này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định khống chế chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN đối với khoản chi mua BHNT cho người lao động. Trong trường hợp, cơ quan soạn thảo chứng minh được sự cần thiết phải giới hạn mức chi phí nêu trên thì cũng chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, không áp dụng đối với các nhóm doanh nghiệp khác.