Chật vật "gỡ mạng nhện" sở hữu chéo

ANTD.VN - Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sau 3 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo đã được xử lý một bước quan trọng. 

Cần có chế tài nghiêm để xử lý sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng

Tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý cơ bản. Đến nay, số cặp tổ chức tín dụng (TCTD) sở hữu chéo giảm từ 7 xuống còn 3 cặp. Số lượng TCTD cũng giảm khoảng 22 tổ chức.

Tuy nhiên, tình trạng sở hữu chéo hiện vẫn còn ở một số TCTD lớn. Cụ thể, tính đến 18-7, Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần Ngân hàng Quân đội (MBB); 8,19% ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank; 5,07% Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,3% tại Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Eximbank vẫn đang sở hữu 8,76% vốn tại Sacombank. Nam Á Bank cũng có sở hữu 3,5% vốn tại Ngân hàng Bản Việt...

NHNN cũng cho biết, hiện nay, một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD, trong đó tỉ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp Nhà nước chưa khắc phục xong

Theo các chuyên gia, tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng đã giảm nhưng chưa được xử lý triệt để một phần do việc thực thi các quy định pháp luật chưa quyết liệt. Cụ thể, Thông tư 36/2014/TT- NHNN có hiệu lực hơn 2 năm nay đã quy định một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó. Thông tư này cũng quy định rõ thời hạn nhưng đến nay các ngân hàng vi phạm vẫn không bị xử lý.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc xử lý triệt để sở hữu chéo dai dẳng còn do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là việc thoái vốn không dễ dàng, vì nhà đầu tư muốn thoái vốn thì phải tìm được người mua với mức giá hợp lý chứ không thể trả lại vốn đó cho ngân hàng mình đã đầu tư. 

Thứ hai, việc thoái vốn có nghĩa là các nhà đầu tư phải chấp nhận thu gọn lại quyền lực của mình ở các tổ chức tín dụng, không chỉ mất đi sự kiểm soát mà còn mất đi cơ hội làm ăn, đây là điều nhà đầu tư không muốn “buông”.

Thứ ba, việc minh bạch thông tin ở nước ta vẫn là một vấn đề lớn, chưa được thực hiện một cách rốt ráo. NHNN từng quy định các thành viên HĐQT, cổ đông của các ngân hàng phải khai báo những người có liên quan đến mình và số cổ phiếu những người đó nắm giữ nhưng thực tế đến nay vẫn rất khó kiểm soát.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, nhìn chung các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, quản trị, điều hành đã đầy đủ, vấn đề là thực thi những quy định đó như thế nào.

Ở góc độ khác, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, thực ra sở hữu chéo không hoàn toàn xấu trong tất cả các trường hợp, thậm chí ở một số quốc gia vẫn chấp nhận sở hữu chéo ở chừng mực nhất định. Ở nước ta, nền kinh tế có quy mô nhỏ, doanh nghiệp phải liên kết, góp vốn với nhau để làm ăn cũng là điều bình thường.

Nhưng để tránh rủi ro thì điều cần làm là phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong sở hữu, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định pháp luật. Chẳng hạn khi mua bán hay chuyển nhượng cổ phiếu phải tuân thủ khâu báo cáo một cách rõ ràng để bên chứng khoán và các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ. Trường hợp vi phạm cần có chế tài xử lý nghiêm như rút giấy phép, tước quyền cổ đông...