Cây trồng công nghệ sinh học: Nâng cao năng suất, giảm phát thải nông nghiệp

ANTD.VN -Dân số thế giới ngày một tăng nhanh, trong khi đó, hiện có xấp xỉ 1 tỷ người trên thế giới bị thiếu đói đe dọa. Công nghệ sinh học mà đứng đầu là cây trồng biến đổi gen (BĐG) được xem là giải pháp tối ưu để đáp ứng được lượng thực phẩm trong bối cảnh đất đai thu hẹp, nguồn nước cạn kiệt nhưng dân số thế giới vẫn tăng.

Giảm phát thải Carbon, giảm thuốc trừ sâu

PG Economics vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy các lợi ích nổi bật về kinh tế và môi trường đối với 26 quốc gia canh tác cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) hay cây trồng biến đổi gen. Công nghệ cải tiến trong nông nghiệp này đã góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất đồng thời cho phép nông dân có thể gieo trồng nhiều hơn và thu hoạch hiệu quả hơn. Công nghệ cũng đồng thời cũng giúp xóa đói giảm nghèo cho gần 16,5 triệu người đặc biệt là các hộ nông hộ nhỏ ở các quốc gia đang phát triển.

Theo Tiến sỹ Graham Brookes, Giám đốc Viện PG Economics, đồng tác giả nghiên cứu báo cáo cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, nông dân đã có điều kiện tiếp cận và lựa chọn trồng cây trồng công nghệ sinh học, họ vẫn luôn duy trì và tiếp tục ứng dụng công nghệ này, đóng góp đáng kể cho việc duy trì nguồn cung cấp thực phẩm bền vững và gìn giữ môi trường sống xung quanh họ tốt hơn”.

Báo cáo PG Economisc đã chỉ ra một số điểm ưu việt của cây trồng BĐG. Như, cây trồng công nghệ sinh học đã làm giảm đáng kể phát thải khí thải nhà kính trong nông nghiệp khi nông dân tiếp nhận và thực hành các phương thức canh tác bền vững hơn như giảm cày xới –giúp hạn chế bớt việc đốt nhiên liệu và lưu trữ carbon lại trong đất tốt hơn. Nếu như cây trồng CNSH không được trồng trong năm 2015, sẽ có thêm 26,7 tỷ kilogam carbon dioxide thải ra môi trường, tương đương với lượng phát thải của 11,9 triệu ô tô lưu thông trên đường.

Từ năm 1996 đến 2015, cây trồng CNSH đã giúp giảm bớt phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật khoảng 619 triệu kg, đồng nghĩa với việc cắt giảm khoảng 8,1% lượng thuốc trên toàn cầu. Lượng cắt giảm này tương đương với lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Trung Quốc sử dụng mỗi năm. Với việc giảm bớt lượng thuốc trừ sâu sử dung, nông dân canh tác cây trồng CNSH đã giúp giảm được 18,6% các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường.

Trong giai đoạn 1996 - 2015, hầu hết những nông dân áp dụng CNSH đã thu được năng suất trung bình tăng lên khoảng 13,1% đối với ngô kháng sâu hại và 15% đối với bông kháng sâu so với giống thông thường. Nông dân trồng đậu tương BĐG ở Nam Mỹ đã chứng kiến mức tăng năng suất tăng trung bình tới 9,6% kể từ năm 2013.

Ngoài ra, bằng việc kiểm soát sâu hại và cỏ dại tốt hơn, cây trồng CNSH đã giúp nông dân tăng năng suất trồng trọt, từ đó tăng thu nhập, giúp họ và gia đình có cuộc sống tốt hơn. Năm 2015, lợi ích kinh tế thuần thu lại được từ cây trồng CNSH là 15,5 tỷ USD, tương đương với mức lợi nhuận trung bình khoảng 90 USD tăng thêm trên 1 ha. Tính tổng từ 1996 đến 2015, tổng thu nhập toàn cầu của nông dân là 167,7 tỷ USD.

Cây trồng BĐG là tiến bộ khoa học của nhân loại

Hiện nay, cây trồng CNSH tiếp tục trở thành nguồn đầu tư tốt cho người nông dân. Trong năm 2015, mỗi 1 USD đầu tư thêm cho hạt giống BĐG, nông dân thu được lãi trung bình thêm 3,45 USD. Trong năm 2015, nông dân ở các nước đang phát triển thu lại 5,15 USD cho mỗi 1 đô la đầu tư vào giống cây trồng BĐG trong khi đó ở các nước phát triển con số này là 2,76 USD.

Tại Việt Nam, cây trồng BĐG đã được cấp phép và hiện có cây ngô đang được một vài doanh nghiệp đưa vào trồng, dù với diện tích chưa thực sự lớn nhưng những vùng trồng như Tây Bắc, miền Tây, miền Trung đã và đang cho thấy lợi thế ưu việt. PGS.TS Phạm Văn Toản - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cây trồng BĐG là tiến bộ khoa học của nhân loại, tạo thêm một công cụ mới trong chọn tạo giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mong muốn của con người.

Khoa học thế giới đã chứng minh tính ưu việt của cây trồng CNSH

Từ năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50 về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó ghi rõ: “Làm chủ được công nghệ gen nhằm tạo ra các biến đổi gen thực vật, động vật theo hướng có lợi”.

Cũng năm đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50 và giao Bộ NN&PTNT triển khai “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.

Mục tiêu đến năm 2015 là phát triển CNSH hiện đại, tập trung vào công nghệ gen, đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng trọt các giống cây trồng BĐG chiếm 30 - 50%.

So với thế giới, Việt Nam vẫn đi chậm một nhịp, và đến nay, các nhà khoa học danh tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp và ATTP cũng khẳng định, không có cơ sở để cho rằng, cây trồng BĐG gây hại trong khi đó, lợi ích đã được chứng minh rõ.