Cẩn trọng không mắc "bẫy" tín dụng tiêu dùng

ANTD.VN - Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, sửa sang nhà cửa của người dân tăng cao, vì vậy, đây cũng là thời điểm “vào mùa” của dịch vụ cho vay tiêu dùng. Không thể phủ nhận những ưu điểm của tín dụng tiêu dùng nhưng người có nhu cầu cũng cần cẩn trọng để không sa vào “bẫy” của loại hình vay tiền này.

Mua trả góp là một hình thức cho vay tiêu dùng phổ biến tại các trung tâm mua sắm

Bài học lãi suất 0%

“Lãi suất 0%, vay trả trước 0 đồng” - những quảng cáo dạng này có thể nhìn thấy ở hầu hết các trung tâm mua sắm, đặc biệt với các sản phẩm điện thoại, máy tính, điện tử, điện lạnh, xe máy, ô tô. Đây là các chương trình do công ty tài chính liên kết với các đơn vị bán hàng nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. 

Không kém cạnh trong cuộc đua là các gói vay tiêu dùng của các ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng đều đưa ra những gói vay tiêu dùng hấp dẫn cho từng nhu cầu cụ thể như: du học, vay thấu chi, vay cầm cố giấy tờ có giá, vay mua nhà… Điểm chung của các khoản vay này là đều được quảng cáo thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo, thời gian vay linh hoạt, giải ngân nhanh.

Tuy nhiên, sau những điều kiện cho vay dễ dàng như vậy, không ít khách hàng đã lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Chị Hoàng Thị Lệ (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể, hồi đầu năm, khi mua máy tính xách tay, chị được nhân viên tư vấn trả trước 30%, tức 6 triệu đồng, còn lại 12 triệu đồng được vay thông qua một công ty tài chính với lãi suất 0% trong vòng 6 tháng đầu.

Các tháng tiếp theo lãi suất chỉ 2%/tháng. Sau khi tính toán kỹ, thấy số tiền phải trả thêm không quá nhiều nên chị quyết định mua trả góp. Trong 6 tháng đầu, chị không phải trả lãi, nhưng đến tháng thứ bảy, chị mới biết lãi suất 2% được tính trên dư nợ ban đầu, nghĩa là mỗi tháng chị vẫn phải trả lãi cho khoản nợ 12 triệu đồng, trong khi thực nợ chỉ còn 6 triệu đồng. “Điều đó có nghĩa là ngay cả khi tôi còn nợ 1 triệu đồng thì tôi vẫn phải trả lãi cho 12 triệu đồng” - chị Lệ bức xúc.

Tương tự, do không được tư vấn kỹ các điều khoản hợp đồng nên anh  Đinh Mạnh Tuấn (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng gặp “quả đắng” khi vay tiêu dùng. Sau khi ký một khoản vay 80 triệu đồng với một ngân hàng, anh Tuấn phải trả lãi gần 10 triệu đồng/năm. Số tiền anh phải trả cả gốc và lãi cào bằng mỗi tháng là hơn 3 triệu đồng.

Dù lãi suất khá cao nhưng anh Tuấn tính khoảng hơn 1 năm  sẽ có đủ tiền để trả hết nợ. Tuy nhiên, khi đem tiền đến tất toán, anh Tuấn mới vỡ lẽ sẽ bị phạt trả trước hạn với số tiền lên tới 20 triệu đồng. nợ.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhất là trong hoạt động vay tiêu dùng rủi ro rất lớn nên lãi suất không thể là 0% được. “Chiêu bài” lãi suất 0%/năm cho vay tiêu dùng chỉ áp dụng trong khoảng thời gian ngắn (dưới 6 tháng), còn sau đó, biên độ lãi suất cộng thêm là không nhỏ, chưa kể khách hàng sẽ phải chịu khoản phạt nếu trả chậm hàng tháng hay trả trước kỳ hạn thỏa thuận.

Nên đọc kỹ điều khoản

Các chuyên gia ngân hàng đánh giá tiềm năng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam rất lớn khi tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển về số lượng. Dù lãi suất cho vay cao nhưng nhu cầu rất lớn, vì vậy, thời gian qua tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh. 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng tiêu dùng là khoản vay tín chấp như cho vay dưới hình thức thẻ tín dụng hay cho vay mà không cần tài sản bảo đảm.

Mặt khác, tín dụng tiêu dùng là tín dụng cá nhân, mà cá nhân thường không có báo cáo tài chính, nên rất khó để đo lường được “sức khỏe tài chính”. Vì vậy, việc lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn các khoản cho vay thông thường cũng là dễ hiểu.

Việc mắc “bẫy” tín dụng tiêu dùng, ngoài sự mập mờ của các tổ chức cho vay thì một phần cũng do khách hàng. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, hầu hết những người làm thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng đều không nắm rõ thông tin dù đã hạ bút ký. Người vay không tìm hiểu rõ về lãi suất, điều kiện thanh lý sớm hợp đồng, phí phạt vi phạm, thời hạn trả nợ.

Thậm chí, cách thức cung cấp hợp đồng của ngân hàng hay các công ty tài chính cũng không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản, phần lớn đều cho khách hàng ký hợp đồng khống hoặc không cung cấp hợp đồng ngay (thường sẽ được gửi qua đường bưu điện sau khi ký kết). Thế nên, khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ lãi suất cũng như cách tính lãi suất của ngân hàng, tổ chức tín dụng để tránh rủi ro không bao giờ thừa.