Bkav, VNPT cũng dễ "chết yểu" nếu bị vùi dập

ANTD.VN - Chiều nay (15-8), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức tọa đàm "Luật công nghệ thông tin (CNTT) và định hướng phát triển trong thời gian tới". Đại diện các doanh nghiệp cho rằng chính sách phát triển CNTT còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Công nghệ thông tin tại Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Trung Chính- Chủ tịch CMC cho rằng, Luật CNTT ra đời đã tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những văn bản dưới Luật lại không được nhất quán được điều này, thậm chí trái lại tinh thần của Luật, hạn chế những điều Luật đã cho phép. Rất nhiều Thông tư, Nghị định đưa ra gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ ngay như với Nghị quyết 36a cũng bị vướng câu chuyện là có sự phân biệt giữa các thành phần nhà nước, tư nhân.

Đồng quan điểm này, ông Trần Hữu Quyền- Tổng Giám đốc VNPT Tech còn cho rằng, có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.

"Doanh nghiệp trong nước đang bị ngược đãi so với FDI, đặc biệt là về CNTT. Chúng tôi chưa dám xin được ưu đãi hơn và chỉ xin được bình đẳng như FDI. Còn giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước: chúng tôi cũng xin doanh nghiệp nhà nước được đối xử như doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân chỉ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì với doanh nghiệp nhà nước ngoài Luật Doanh nghiệp còn có một số chế tài khác.

Về nhận thức xã hội, xin định hướng giúp “như thế nào là một sản phẩm có đóng góp trong nước”. Sản phẩm của ai thì đó là ý tưởng của người đó, là sản phẩm được người đó phát triển ra... không thể nhìn sản phẩm đó lấy linh kiện của ai.

Như hiện nay, trong nước mình công nghệ bán dẫn chưa có mà đòi hỏi phải dùng công nghệ bán dẫn của Việt Nam thì ở đâu ra? Nếu các anh chị trong giới truyền thông có thể định hướng được dư luận, nâng cao nhận thức của xã hội về việc như thế nào là sản phẩm Việt Nam thì cũng bớt tủi cho những đơn vị như Bkav, VNPT.

Dù chúng tôi làm ra các sản phẩm nhỏ thôi nhưng rất tủi hổ khi bị người này người khác nói có phải từ nơi khác đưa sang không. Nếu bị vùi dập thì nền công nghiệp nói chung, công nghiệp CNTT Việt Nam sẽ chết yểu"- ông Trần Hữu Quyền nói.

Theo ông Bùi Quang Ngọc- Tổng giám đốc FPT, Luật CNTT sửa đổi, bổ sung tới đây phải có tính khả thi, cần chú trọng tính hiệu lực và có chế tài đi kèm nếu không thực hiện. Đồng thời, phải tạo được cầu (trong quan hệ Cung- Cầu về CNTT- PV) để kích thích doanh nghiệp phát triển.

"Nhu cầu trong văn bản pháp luật ra không rõ. Chính quyền với ngân sách của mình rất khó khăn, khi cắt giảm ngân sách thì ngân sách dành cho tin học bị cắt đầu tiên. Các cơ quan nhà nước nếu trụ sở làm việc chật hay thiếu ô tô còn băn khoăn, chứ nếu thiếu tiền thì thiết bị về tin học đang dùng rồi cứ để nguyên đấy.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT phát triển phải tạo được Cầu từ phía nhà nước, phải nêu rõ được trong các chính sách của nhà nước, nhà nước cần phải tạo Cầu cho việc phát triển tin học hóa, sau đó mới đến chính sách thúc đẩy khác"- Đại diện FPT kiến nghị.

Ông Bùi Quang Ngọc dẫn chứng, ví dụ như Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Nghị quyết này được giao cho rất nhiều đơn vị, Bộ này phải làm thế này, UBND tỉnh kia phải làm thế kia, văn bản thì nói rất hay, nhưng có một thực tế là về tính hiệu lực thì rất yếu, thậm chí có những nơi chẳng làm gì cả.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cũng thừa nhận, qua 10 năm thi hành Luật CNTT, những suy nghĩ, quan điểm về CNTT đã có nhiều thay đổi, do sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ. Do đó, Bộ TT-TT sẽ lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, chính đáng của doanh nghiệp để định hướng chính sách giai đoạn tới của Bộ có thể thể hiện được phần nào mong muốn của các doanh nghiệp.