Bán thức ăn hè phố cần đảm bảo điều kiện gì?

ANTD.VN - Chị gái tôi bán hàng ăn lưu động nhiều năm nay. Gần đây, chị tôi phải nghỉ bán hàng do bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Xin hỏi luật sư, trong trường hợp nào cá nhân bán thức ăn đường phố được coi là vi phạm quy định về vệ sinh ATTP? Nguyễn Văn Diễn (Sóc Sơn, Hà Nội)

Bán thức ăn hè phố cần đảm bảo điều kiện gì? ảnh 1Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Trả lời: 

Về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố, Điều 32 Luật An toàn thực phẩm quy định, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Ngoài ra, chủ kinh doanh phải tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Còn theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, nếu tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi bày bán thức ăn không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm an toàn thực phẩm; Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại; Sử dụng nơi bày bán không cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; Không có thiết bị bảo quản thực phẩm theo quy định… sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến, kinh doanh thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu để chế biến thức ăn không có nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn; Sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ… sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. Nếu gây ngộ độc thực phẩm, mức phạt đối với cá nhân vi phạm sẽ tăng lên từ 1-2 triệu đồng. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng; Chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm…