Vẻ đẹp xuyên thế kỷ ở hòn đảo của nghìn ngôi đền

ANTD.VN - Trước khi đi Bali của Indonesia vài ngày, tôi có ngồi ăn tối với nữ nhà văn Jan Cornall của Australia. Jan tặng tôi một cuốn tiểu thuyết nhan đề là “Take me to paradise” (Hãy mang tôi đến thiên đường). Hỏi về nội dung truyện, bà nói rằng cuốn sách viết về Bali. Tôi rối rít nói rằng 2 ngày nữa tôi cũng sẽ đến Bali… 

Jan Cornall là nhạc sĩ, nhà viết kịch, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Australia và đó là cuốn sách đầu tay của bà, viết sau khi bà đến Bali một thời gian dài vào năm 2002, chỉ trước vụ đánh bom sàn nhảy Poddy’s có 1 tháng. Có thể bà đã ấn tượng với Bali đến nỗi viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về nó. Sau khi đặt chân lên dải đất xinh đẹp giữa biển xanh này, tôi cũng thấy ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết không có gì là lạ.

Vẻ đẹp xuyên thế kỷ ở hòn đảo của nghìn ngôi đền ảnh 1Đền Tanah Lot là nơi lý tưởng nhất Bali để ngắm hoàng hôn

Bali: sáng - trưa - chiều - tối

Bali là một trong những hòn đảo nằm ở phía Đông Java, dài 150km, rộng 80km. Hơn 90% dân số Bali theo đạo Hindu chứ không theo đạo Hồi như các hòn đảo khác của Indonesia (85% dân số Indonesia theo đạo Hồi), nên đi đâu cũng thấy những ngôi đền Hindu đặc trưng. Đến Bali, mới biết lý do vì sao hòn đảo này lại được bình chọn là nơi nghỉ dưỡng tốt nhất vượt qua cả Santorini của Hy Lạp và Hawaii của Mỹ, vì sao trong suốt gần chục năm trời luôn bị đe dọa bởi khủng bố mà khách du lịch vẫn kìn kìn. 

Nếu như đảo Tahiti nổi tiếng với những bãi biển mướt dài cát trắng; Hawaii với những con sóng cuộn bờ rất thích hợp cho lướt sóng; Pattaya có những trò chơi trên biển thú vị và độc đáo; Luang Prabang có những tour mạo hiểm trên suối trong rừng; Siem Reap có những di sản văn hóa ấn tượng; Singapore nườm nượp trung tâm thương mại; Hội An phong vị cổ kính với những shop đồ lưu niệm handmade độc đáo; Hồng Kông (Trung Quốc) đầy rẫy các quán bar và sàn nhảy thâu đêm suốt sáng - thì Bali có đầy đủ tất cả những điều đó.

Thật đáng kinh ngạc. Đến hòn đảo này, ta có thể lên rừng xuống bể trong vòng 1 ngày. Sáng đi du lịch mạo hiểm, trưa lại về shopping trong các phố xá đông đúc, chiều ngắm hoàng hôn rơi trên đền Tanah Lot, tối về lại dập dìu trong hàng trăm vũ trường sôi động ở bãi biển Kuta. Dường như ta có thể tìm thấy mọi thứ cần có trong một chuyến du lịch trên hòn đảo bé nhỏ này. Vì thế, nhiều người từng đến Bali rồi nói rằng ở Bali cả tháng cũng chưa biết chán. 

Ngay trên con đường từ Sân bay Ngurah Rai về khách sạn, ta đã ấn tượng bởi những tượng đài khổng lồ mô tả các thần thoại của người Bali. Đền đài xuất hiện khắp mọi nơi, chóp mái nhọn với kiến trúc đặc trưng kiểu Hindu pha trộn phong cách bản địa. Cơ bản vẫn là các đền thờ Uluwatu, Tanah Lot, Pura Besakih…

Một điều thú vị là khi bước vào bất cứ khu vực tôn giáo nào, du khách không mặc quần dài đều được phát cho một chiếc xà rông quấn phần thân dưới. Nhiều người mặc quần dài rồi cũng đòi xà rông để chụp ảnh. Các nhân viên trong siêu thị, khu du lịch phần nhiều mặc xà rông và chít khăn, cả nam lẫn nữ. Xà rông được bán khắp mọi nơi, cả trên bãi biển. Đấy là một mảnh vải bằng lanh hoa đủ màu sắc, rộng bằng cái chăn đơn, rất tiện dụng, quấn dưới thân làm váy, chít lên đầu làm khăn, choàng lên người làm áo, các cô gái trải trên bãi biển để nằm phơi nắng, còn tôi dùng nó như một chiếc chăn mỏng khi ở trên máy bay.

Ngày đầu tiên, chúng tôi chủ yếu đi thăm đền. Mua một tour của người bản địa mất 25USD/người sẽ được xe đưa đón đi tham quan cả ngày, bao gồm ăn trưa. Chiếc xe chở chúng tôi bị quá tải, 2 người chung một chỗ. Mới đầu rất ngạc nhiên vì lái xe dám vi phạm luật. Sau đi chừng chục km đã thấy một nhóm sắc phục đứng giữa đường ra hiệu cho xe tấp vào lề. Chúng tôi thót tim, hình dung đến cảnh chiếc xe bị “hành” cả tiếng và khách du lịch thì vạ vật trên vỉa hè chờ đợi giữa trời nắng. Tuy nhiên, anh lái xe da đen cháy vẫn thản nhiên như không, còn viên cảnh sát trẻ thì tươi cười hiền lành như một thanh niên phục vụ quầy siêu thị. Lái xe nhảy xuống và chừng 2 phút sau lại tót lên xe chạy tiếp. Chúng tôi chợt hiểu và hỏi anh ta “Mất bao nhiêu thế?” - “Hai mươi nghìn”. (20.000 Rupiah tương đương 40.000 tiền Việt). Chúng tôi thẳng tiến tới núi lửa Kintamani. 

Dư vị cho cả cuộc đời

Khí hậu của Bali mát mẻ, lên độ cao gần ngang đỉnh núi lửa thì tiết trời lạnh đến độ nhà hàng có tầm nhìn tuyệt đẹp trông ra hồ Batur và miệng núi lửa mà không ai dám ra ban công ngồi thưởng thức bữa trưa. Núi lửa Kintamani là khung cảnh hùng vĩ và tráng lệ bậc nhất của đảo Bali. Hồ nước Batur phẳng lặng như một tấm gương xanh đặt dưới chân ngọn núi tựa nghìn đời nay vẫn thế.

Dọc triền núi đối diện với núi lửa và hồ nước là các nhà hàng. Người ta vừa ăn buffet với món Babi Guling, Bekek Betutu, Sate Litit, Nasi Kuning, vừa uống bia Bintang và ngắm đỉnh núi mờ ảo sương khói qua cửa kính. Trước cửa các nhà hàng, như mọi khu du lịch châu Á khác, đông đúc người già trẻ con bán đồ lưu niệm và xà rông. Đặc biệt, Bali còn đặc trưng với món “tattoo dạo”. Nghĩa là những thanh niên trẻ cầm tập mẫu hình tattoo (hình xăm) mời du khách. Nếu đồng ý, chọn mẫu, sau khi mặc cả giá (thường là 50.000 đồng tiền Việt), anh ta sẽ ngồi vẽ cho du khách, lên cánh tay, bắp chân, lưng, bụng tùy ý. Vẽ bằng một thứ mực keo màu đen đặc quánh chế biến bằng công thức gì không rõ, nhưng chừng nửa tiếng sau nó sẽ khô lại thành lớp màng.

Bóc lớp đó đi để lại hình xăm màu đen rất đẹp. Hình săm này có giá trị tạm thời, qua vài lần tắm nước là trôi hết. Ở đâu cũng thấy có tattoo dạo, trên bãi biển, trong khu chợ trời, ở các khu du lịch… Họ nhao ra chào mời rất nhiệt tình. Đây là một nghề kiếm được vì nguyên liệu chẳng tốn kém gì, vẽ lại rất nhanh, chỉ có mất công chào mời mà thôi.

Một trong những điểm không thể không ghé thăm khi đến Bali là các làng nghề truyền thống như làng Celuk nổi tiếng với nghề trang sức vàng bạc; làng Mas với nghề khắc gỗ; làng Pelihatan chuyên vẽ tranh… Làng nào làng ấy thẳng tắp như những con phố cổ Hội An, kiến trúc xinh xắn, dễ thương, không gian yên tĩnh, ngõ đường sạch sẽ. Cuối ngày, chúng tôi ghé thăm đền thiêng Tanah Lot, mà thực chất chỉ là một ngôi đền nhỏ xíu xây trên một mõm đá hướng nửa mặt ra biển. Ngôi đền được các tu sĩ Bà La Môn xây dựng nhằm bày tỏ lòng kính trọng của con người đối với sự che chở của nữ thần biển.

Nhưng điều mà du khách mong muốn nhất không phải đi lễ đền mà ngắm hoàng hôn rơi trên mặt biển. Vị trí của đền Tanah Lot là nơi lý tưởng nhất Bali để ngắm hoàng hôn. Tuy nhiên, dường như tôi không có duyên với các hoàng hôn. Hồi đi Siem Reap, tôi cứ mong mãi đến giờ phút được đặt chân lên đồi Bakeng để ngắm hoàng hôn phủ trên 5 tòa tháp của Angkor Wat thì cả ngày hôm đó trời mưa sụt sùi.

Lần này cũng vậy, trời nắng đẹp nhưng chúng tôi bị trễ lịch trình mất 30 phút, đành đoạn ngồi trên xe mà nhìn qua cửa kính tiếc nuối những ánh hoàng hôn cuối cùng rơi rớt trên các lùm cây. Anh lái xe bản địa hiểu rằng khách du lịch cả đời có khi chỉ đến Bali một lần, và đến Bali không thể không ngắm hoàng hôn đang tỏa ánh vàng trên Tanah Lot, mới phóng xe như điên trên những con đường quanh co trong thị trấn đang vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, cho dù anh ta có gắn thêm vài động cơ nữa vào xe thì cũng không kịp, hoàng hôn đã lụi dần rồi mất tích sau dãy núi Gunung Agung.

Chúng tôi đi như chạy lên mũi Tanah Lot chỉ để nhìn thấy ráng trời tím sẫm viền trên mặt biển. Dù sao, cảnh vật từ trên mỏm núi đẹp đến nỗi nhiều người nói rằng nhất định sẽ quay lại Bali chỉ để được ngắm hoàng hôn. Từ ngôi đền nhỏ tí xíu nhìn sang mỏm núi bên kia là một nhà hàng buffet cho khách du lịch. Cũng chẳng mấy nhà hàng trên Trái đất này có vị trí đẹp như thế để làm dịch vụ. Mũi đá sinh ra như dành riêng cho chủ nhà hàng kê bàn ghế ngoài trời và thắp nến lên để du khách tận hưởng bữa tối. Trong vô vàn ánh nến lấp lánh dưới trời đêm, những đôi tình nhân tìm thấy khoảnh khắc lãng mạn nhất cuộc đời mình, để rồi, chỉ một khoảnh khắc thôi có thể đủ dư vị cho cả cuộc đời.