Vẫn còn "đi học" dưới bóng cọ xanh

ANTD.VN - Bài thơ “Đi học”, tác giả Hoàng Minh Chính viết cho thiếu nhi in trong tập “Mặt trời xanh” (NXB Kim Đồng, 1971) có riêng một hành trình đáng nhớ. Nhà thơ Định Hải, biên tập nhà xuất bản trong buổi tiếp xúc các cây bút thanh thiếu niên năng khiếu dự trại sáng tác ở Nam Định kể rằng, ngày ấy, những người làm sách không biết gửi sách biếu, nhuận bút về đâu. Tác giả bài thơ “Đi học” gửi chùm thơ viết cho thiếu nhi về nhà xuất bản chỉ ghi địa chỉ số hòm thư bộ đội thời chiến rồi lên đường.

Năm 1996, tập “Thơ chọn với lời bình” do NXB Giáo dục chủ trương, lời bình bài thơ “Đi học” được nhà thơ Trần Hòa Bình (1956-2008), giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đảm nhiệm. Để viết mấy dòng tiểu sử tác giả Minh Chính, nhà thơ - nhà báo bút danh “Tầm Thư” không bằng lòng với vài dòng vắn tắt nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam về Minh Chính. Trần Hòa Bình cất công dò hỏi bạn bè Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ qua điện thoại. Sau chót, lên Phú Thọ, anh đã tìm được người mình cần gặp.

Đó là nhà giáo ưu tú Cù Thị Kim Hợp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Vĩnh Phú. Qua người bạn gái thân thiết của Minh Chính thời đèn sách, anh gặp được em trai Minh Chính, kỹ sư Hoàng Quốc Vinh, Giám đốc Xí nghiệp Ắc-quy Vĩnh Phú. Anh được tiếp cận 2 tập sách dày dặn người do cha cao tuổi ghi chép cẩn thận những bài Minh Chính “tập dượt” làm thơ từ năm 11 tuổi đến những bài thơ viết trên đường hành quân được lưu giữ ở gia đình cùng với thư từ, một bản nhạc do Minh Chính sáng tác tặng người bạn gái thân yêu.

Sau một chuyến đi, Trần Hòa Bình đã đủ tư liệu về tác giả Minh Chính, để hoàn tất công việc đã nhận với NXB Giáo dục. Rồi cũng trong năm 1997, tập thơ “Đi học và những bài thơ khác” của Minh Chính do anh chọn và giới thiệu, NXB Thanh Niên - Hà Nội ấn hành đã ra mắt bạn đọc trong niềm vui của gia đình, người thân và bè bạn gần xa yêu quý Minh Chính.

Nhà thơ Minh Chính họ Hoàng, sinh năm 1944 tại thôn Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình có 6 anh em. Minh Chính là thứ hai. Anh là hậu duệ nhiều đời của một dòng họ có truyền thống về dạy học và văn chương. Năm 1948, Minh Chính theo gia đình lên Phú Thọ. Thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu là quê hương thứ hai của gia đình anh.

Cảnh quan miền Trung Châu tươi đẹp, tình thương yêu gia đình cha mẹ, anh em, bạn bè, mái trường tuổi thơ... tất cả được trân trọng, in đậm trong tâm hồn Minh Chính tuổi học trò. Viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1963, khi đang học cấp III trường Hùng Vương (thị xã Phú Thọ), Minh Chính vào chiến trường B2 năm 1966, cấp bậc Thượng úy - Đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 312, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Anh hai lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, một bằng Dũng sĩ diệt tàu chiến.

Bị thương, Minh Chính ra Bắc cuối năm 1968. Đây là dịp anh gặp gia đình, người thân, bạn bè sau những năm ở chiến trường khu V gian khổ, ác liệt. Minh Chính gửi lại hậu phương bản thảo những bài thơ viết trên đường hành quân đêm vượt sông Cam Lộ, các phác thảo bên căn hầm điểm tựa sau một trận đánh, ngày vui trở lại thăm nhà, qua ngôi trường cũ, thời khắc vàng gặp lại người thương yêu với bao nhiêu ước vọng. Anh cũng có dịp tiếp xúc với các nhà văn đàn anh như Xuân Thiều, Xuân Thiêm và các bạn viết quen biết.

Năm 1969, ba lô trĩu vai, bước chân tập tễnh, các em trong gia đình tiễn người anh cấp bậc Tiểu đoàn phó, đi B dài lần thứ hai từ sân ga quê hương: “Lên đường/ Trăng non treo đầu súng/ Gập ghềnh bước hành quân/ Tiếng suối reo tưởng tiếng giảng văn/ Cồn cào thương nhớ.../ Ta đi nghìn đêm gian khổ/ Chỉ mong đất nước hòa bình” (Qua trường cũ). 

Anh đi, vẫn chiếc mũ cài nhành lá ngụy trang, nụ cười tươi, bàn tay vẫy bên ô cửa sổ chuyến tàu tốc hành lao về phương Nam phía chân trời có giặc. Sang chiến trường K, Minh Chính anh dũng hy sinh bên vòm xanh thốt nốt giữa tháng 3 năm 1970 trên đất Campuchia trong đội ngũ quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Đến nay, qua nhiều lần tìm kiếm, vẫn chưa tìm được nơi anh hy sinh để di cốt chàng sĩ quan tài hoa 26 tuổi được trở lại quê nhà.

Bài thơ “Đi học” của Minh Chính tạo cảm hứng sáng tạo cho nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997) trước mùa tựu trường năm 1971. Như duyên số Bùi Đình Thảo cũng là người con của quê hương Hà Nam. Ngày ấy, có nhạc sĩ cùng phổ nhạc bài thơ này với Bùi Đình Thảo, song không thành công. Với Bùi Đình Thảo, ông đã vận dụng phong cách dân ca miền núi - hát then - để triển khai ca khúc, chủ động đảo thứ tự một khổ thơ rồi nhập đề.

Khúc nhạc dạo đầu, ông dành cho cây đàn tính lên tiếng mở ra quang cảnh em bé đến trường từ buổi sáng tinh khôi trong sáng tuyệt vời: “Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong  thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi”. Giai điệu - lời thơ chạm vào hình ảnh sẽ thành kỷ niệm, ký ức thiêng liêng tuổi học trò ngày đầu đi học: “Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp”... 

“Một mình em tới lớp!” - Nét nhạc trầm ấm, tự tin, niềm vui tuổi thơ hồn nhiên lan tỏa với “Chim đùa reo trong lá/ Cá dưới khe thì thào/ Hương rừng chen hương cốm/ Em tới trường hương theo” - mùi hương thân thiết từ cánh rừng gần đến nương lúa xa cùng theo em bé đến trường một hoà điệu thanh bình trong veo như ngọc, thấp thoáng bóng dáng mái trường xinh, cô giáo trẻ, tiếng hát tuổi thơ, trang sách thân yêu mở sáng chân trời. “Đi học” đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” gần nửa thế kỷ qua. Công lao thuộc về tấm lòng yêu trẻ của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931-1997) và nhà thơ Minh Chính.

Với nhạc sĩ Bùi Đình Thảo dù đã 20 năm vắng bóng, nhưng những ca khúc nổi tiếng viết cho thiếu nhi của ông: Bàn tay mẹ, Em đi giữa biển vàng, Đi học... vẫn sống với thời gian. Đặc biệt, với ca khúc “Đi học”, ông là người đã chắp cánh cho bài thơ hay của nhà thơ - Liệt sĩ thế hệ chống Mỹ thành ca khúc để đời, ai cũng yêu thích.

Với nhà thơ Trần Hòa Bình, việc “Đi tìm dấu tích tác giả bài thơ Đi học, một người đi không trở về”... là cơ hội để anh “bày tỏ niềm xúc động của mình trước tấm lòng những người đang sống hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì sự sống còn của đất nước”.

Vẫn còn "đi học" dưới bóng cọ xanh ảnh 2

Đây còn là dịp để anh được biết thêm về tác giả Minh Chính - “một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp - những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê, ước vọng của bản thân để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!” - (Trần Hòa Bình).

“Ta đi nghìn đêm gian khổ/ Chỉ mong đất nước hòa bình!” - nhà thơ Minh Chính tuổi 26 hy sinh trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và nhân dân. Chỉ 5 năm sau ngày anh ngã xuống, khát vọng của anh đã thành hiện thực trên đất nước liền một dải núi sông bất khuất, tiếng sóng dập dìu âm vang câu hát “Cọ xòe ô che nắng” nao nức đường các em đi.