Triển lãm "Lung linh sao Khuê"

ANTD.VN - Từ ngày 15-12 cho đến hết Tết Nguyên đán tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra triển lãm “Lung linh sao Khuê” do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhóm Đình làng Việt tổ chức. 

Hình ảnh hoa bảo tiên ở Khuê Văn Các

Trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật, bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã đi vào các trang sử vàng của mỹ thuật nước nhà. Xuất hiện gần như hầu hết trên 82 tấm bia Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đó là hoa bảo tiên, loài hoa hư cấu từ hoa sen, hoa cúc và hoa mẫu đơn.

Đây là loài hoa có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng thể hiện sâu sắc ý niệm về sự dung hòa, tích hợp và vượt gộp các giá trị, cũng có thể gọi hoa bảo tiên là biểu tượng ý vị cho tam giáo tịnh hành (hoa sen đạo Phật, hoa cúc đạo Lão, hoa mẫu đơn đạo Nho). Cùng với Khuê Văn Các, hoa bảo tiên trên những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám phản ánh đầy đủ giá trị văn hóa Thăng Long - Đại Việt, hội tụ những giá trị tinh hoa nhất của dân tộc và nhân loại để từ đây lan tỏa đi muôn phương. 

Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bia đề danh Tiến sĩ là loại văn khắc trên đá ghi lại danh tính của các vị khoa bảng đỗ đạt với mục đích: Ca ngợi Hoàng triều, chính quyền phong kiến đương thời; Tôn sùng Nho học; Vinh danh người đỗ đạt; Khuyên răn kẻ sĩ. Trong 4 mục đích trên, nội dung khuyên răn kẻ sĩ là đặc điểm độc đáo nhất của 82 tấm bia đề danh Tiến sĩ của Việt Nam.

Ý nghĩa đề cao liêm sỉ, phẩm cách bậc sĩ phu không chỉ thể hiện qua ngôn từ hùng hồn, cương nghị và sắc bén mà còn thể hiện một cách dung dị, sâu lắng và trực giác bằng ngôn ngữ tạo hình điêu luyện. Chính vì đây là điểm độc đáo quyết định hình thức nghệ thuật của 82 tấm bia đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.