"Thương mại hóa" lễ hội sẽ gây ra những biến tướng khó lường

ANTD.VN -Mặc dù việc không được tổ chức bán vé vào lễ hội đã được quy định tại các văn bản pháp lý là Nghị định 28/2017/NĐ-CP, Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL, nhưng mới đây, trong đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 gửi Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hải Phòng lại đề nghị được bán vé lễ hội chọi trâu.

UBND TP Hải Phòng đề nghị được bán vé tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018

Lý do được UBND TP Hải Phòng đưa ra trong quá khứ, đây là lễ hội truyền thống với sự đóng góp của người dân, là hoạt động chung của cộng đồng. Việc có một hoạt động chọi trâu tại sân vận động có bán vé đã diễn ra hàng chục năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có thu phí, thay vì khoản đóng góp theo đầu người như xưa kia. Với thực tiễn mới này, cần được nhìn nhận phần thu phí tại một phần của lễ hội tổng thể, là loại dịch vụ có thu.

Tuy nhiên ngay từ đầu năm 2018, Bộ VH-TT&DL đã kiên quyết chỉ đạo hai lễ hội chọi trâu khác ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ) không được bán vé vào lễ hội. Vì thế đề nghị trên của UBND TP Hải Phòng nếu được thông qua thì e khó để các địa phương khác “tâm phục khẩu phục”.

Nhìn ở góc độ văn hóa, lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, Hải Phòng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên trong những năm gần đây, lễ hội này lại thường xuyên gặp phải những sự việc khiến người ta không khỏi nghi ngại về nguy cơ biến tướng của nó.

Gần đây nhất, tại vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 đã xảy ra sự cố đáng tiếc khi trâu chọi số 18 húc chết chủ. Sự việc này gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế và đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về công tác tổ chức và quản lý lễ hội chọi trâu tại TP Hải Phòng nói riêng và các lễ hội trên cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, thay vì quan tâm đến việc xem chọi trâu thì người ta ngày càng để ý tới giá trị của con trâu chọi. Ví như việc, trâu chọi mà càng lọt vào vòng trong thì giá thịt sau khi xẻ lại càng được bán với giá cao. Đó được xem là nguyên nhân khiến nhiều chủ trâu vì tăng khả năng chiến đấu để giành chiến thắng của trâu chọi mà vót sừng cho sắc nhọn, hoặc cho trâu uống rượu, sử dụng chất kích thích cho trâu. Chưa kể, hiện tượng cá cược, đặt cược vào các trận chọi trâu cũng phần nào làm mất đi giá trị truyền thống của hoạt động lễ hội này, khiến nó bị thương mại hóa.

Để đảm bảo lễ hội đi vào nề nếp, trật tự, rất nhiều lễ hội cần phải xem lại công tác tổ chức để ngăn chặn tình trạng thương mại hóa khơi dậy ham muốn vật chất, trở thành mặt trái của lễ hội. Trong những năm gần đây, Bộ VH-TT&DL đã sát sao cùng với địa phương lên phương án khắc phục hiện tượng “đưa tiền lấy ấn” tại lễ hội đền Trần; đảm bảo không để hiện tượng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn; không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng được yêu cầu có biện pháp khắc phục hiện tượng như liền anh liền chị hội Lim (Bắc Ninh) “ngả nón xin tiền”; cảnh chen lấn, xô đẩy cướp lộc gây hỗn loạn phản cảm tại lễ hội điểm “nóng” như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), tranh cướp phết tại hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), tránh gây mất an ninh trật tự...

Do đó, đề nghị được bán vé tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng chắc chắn sẽ được cơ quqn quản lý văn hóa xem xét kỹ lưỡng sao cho hợp lý và hợp tình.

UBND TP Hải Phòng vừa hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội chọi trâu 2018 gửi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL). Trong đó, đề án đã đề nghị sẽ tổ chức bán vé tại lễ hội chọi trâu 2018. Cụ thể, BTC lễ hội trích 15% số tiền bán vé thu được ở vòng loại và 10% của vòng chung kết (sau khi đã trừ hoa hồng bán vé, chi phí in ấn vé, phí bảo hiểm khách xem lễ hội) để hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội của các phường (mức trích cụ thể cho từng phường tính theo số trâu tham dự Lễ hội của phường tại mỗi vòng đấu). Ở quy mô cấp quận sẽ huy động đóng góp, tài trợ từ các doanh nghiệp; kinh phí thu từ nguồn bán vé với giá vé quy định 150.000 đồng/vé vòng chính hội và 80.000 đồng/vé vòng loại. 

Tin cùng chuyên mục