Thu phí tác quyền âm nhạc ở bãi đỗ xe, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng karaoke: Khó hơn… lên trời!

ANTD.VN - Trên website của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng cập nhật thông tin về bảng giá mà đơn vị này đưa ra để áp dụng trong việc thu tiền tác quyền đối với các khách sạn, quán bar, quán cà phê, bệnh viện… Trong đó còn có biểu giá dành cho cả bãi đỗ xe. Xung quanh việc đòi tác quyền từ những dịch vụ này còn nhiều điều cần bàn.

Thu phí tác quyền âm nhạc ở bãi đỗ xe, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng karaoke: Khó hơn… lên trời! ảnh 1Phí tác quyền âm nhạc sẽ được thu tại bất kỳ chỗ nào có sử dụng âm nhạc để kinh doanh kể cả điểm trông xe. Ảnh: Lam Thanh

3 đơn vị dẫm chân  nhau đòi thu phí tác quyền

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc vừa qua đã tiếp tục mở rộng lĩnh vực thu phí tác quyền âm nhạc. Cụ thể, mục 3.5 trên mẫu biểu giá mà đơn vị này đưa ra có ghi: “Tại khu vực sảnh, lễ tân, hành lang, văn phòng, cửa hàng - khu mua sắm, CLB thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ, bãi đỗ xe… có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình” đều phải trả tiền tác quyền theo đúng quy định. Biểu giá đi kèm các mục này sẽ tính theo m2 diện tích sàn. Diện tích từ 1-200m2 có mức thu nhuận bút 1 triệu đồng/năm. Mỗi m2 tăng thêm sẽ tính 4.000 đồng/năm”.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương thì động thái này nhắm vào việc rất nhiều các đơn vị kinh doanh đang “xài nhạc chùa”. Chỗ nào có sử dụng âm nhạc để kinh doanh thì việc thu tác quyền là hiển nhiên. Theo đó, việc thu tiền tác quyền ở nhà hàng, quán cà phê, karaoke… là đương nhiên. Về mặt lý thuyết thì bệnh viện kinh doanh hay bãi đỗ xe mà có sử dụng tác phẩm âm nhạc thì phía VCPMC cũng thu tiền tác quyền.

Trước đó, cuối tháng 11- 2016 thì Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) họp báo công bố việc thu phí tác quyền 2.000 đồng/bài đối với tác phẩm âm nhạc tại các điểm kinh doanh karaoke, động thái này nhằm đòi quyền lợi cho hội viên của RIAV là các nhà sản xuất âm nhạc.

Cùng thời điểm RIAV công bố đòi quyền lợi cho các nhà sản xuất thì Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) cũng được thành lập. APPA do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch. Với mục đích là nơi tập hợp và bảo vệ quyền lợi, kể cả tác quyền cho nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển âm nhạc Việt Nam, APPA cũng có những tôn chỉ hoạt động giống hai hội vừa nêu trên đó là đòi tiền tác quyền từ các đơn vị kinh doanh.

Câu hỏi được đặt ra: “Các hội này liệu có dẫm chân lên nhau trong việc thu phí tác quyền từ các đơn vị kinh doanh?”. Ví dụ: Một đơn vị kinh doanh được VCPMC thu phí tác quyền thì 2 hội RIAV và APPA có còn tiếp tục thu phí? Liệu có việc một đơn vị kinh doanh nhạc phải gánh 3 loại phí tác quyền từ 3 hội này? Đây là một câu hỏi mà nhiều đơn vị kinh doanh âm nhạc chuyên nghiệp đặt ra khi tiếp nhận các thông tin từ báo chí.

Liệu có khả thi?

Việc thu phí tác quyền với những biểu giá rất cụ thể về mặt lý thuyết nhưng lại rất khó để thực thi. Bởi vì, cơ chế, thiết bị kỹ thuật nào để xác định các đơn vị trên nghe bao nhiêu bài hát cần phải thu phí tác quyền trong 1 năm?  Và đâu là bài hát đã được VCPMC bảo hộ?

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc của VCPMC cho biết, trung tâm này chỉ thu tác quyền cho các thành viên của hội, còn tác giả chưa phải là thành viên của hội thì hội nào sẽ thu phí? Hay đơn vị kinh doanh đó sẽ được “xài nhạc chùa” nếu tác giả không phải là thành viên của hội? APPA và RIAV là những hiệp hội có liên quan đến quyền lợi của nhà sản xuất và ca sĩ biểu diễn sẽ làm gì để bảo vệ tác quyền của nghệ sĩ? Và làm thế nào để thu được phí nghe nhạc từ bãi đỗ xe, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng, quán karaoke…?

Nếu các đơn vị kinh doanh đó không hợp tác thì sẽ dựa trên văn bản, quy định pháp lí nào để cưỡng chế thi hành? Nếu các đơn vị đó sử dụng âm nhạc dân gian thì sẽ thu phí tác quyền ra sao?

Còn nhớ, năm 2014 thành viên của VCPMC là nhạc sĩ Phú Quang đã “chia tay” với Trung tâm tác quyền vì liên quan đến những tranh cãi quanh show Khánh Ly đầu tháng 8-2014. Nhạc sĩ Phó Đức Phương khi ấy đã 2 lần đến tận nơi biểu diễn của Khánh Ly để làm việc với Ban tổ chức 2 show tại Đà Nẵng và Hà Nội để đòi tác quyền cho nhạc sĩ có tác phẩm trình diễn trong show này.

Sau đó, Ban tổ chức show ở Đà Nẵng đã đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã làm việc trực tiếp với hàng loạt tác giả như Phú Quang, Trương Quý Hải, Nguyễn Ánh 9 để không phải nộp số tiền 170 triệu đồng VCPMC đã đưa ra trước đó. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: “Phú Quang đã ký hợp đồng ủy thác cho VCPMC đại diện ông thực hiện các ký kết tác quyền toàn bộ ca khúc. Vậy mà giờ Phú Quang tự làm riêng thì không có tính pháp lý, gây rối loạn...”.

Thế nhưng, Phú Quang hầu như không bị thuyết phục bởi những lý do VCPMC đưa ra. Nhạc sĩ cho rằng, Trung tâm sống được là nhờ các nhạc sĩ, chứ không phải Trung tâm là nơi bố thí cho các nhạc sĩ. Theo nhạc sĩ Phú Quang, VCPMC thu được càng nhiều tiền cho nhạc sĩ càng tốt, nhưng cần rõ ràng số thu và chi cho các tác giả.

Từ đó cho thấy, việc thu chi tác quyền giữa 3 bên: trung tâm - nhạc sĩ - đơn vị kinh doanh vẫn còn đang nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để từng khâu để những văn bản của các hội, trung tâm được triển khai đúng mục đích. Nếu như các thành viên của hội và đơn vị kinh doanh chủ động làm việc trực tiếp với nhau thì VCPMC có quyền hạn và trách nhiệm liên đới trong vấn đề này? Rất nhiều câu hỏi cần các trung tâm, các hiệp hội phải giải đáp để việc triển khai được thấu tình, đạt lý chứ không chỉ là những biểu giá trên giấy.

“Tại khu vực sảnh, lễ tân, hành lang, văn phòng, cửa hàng - khu mua sắm, CLB thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ, bãi đỗ xe… có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình đều phải trả tiền tác quyền theo đúng quy định. Động thái này nhắm vào việc rất nhiều các đơn vị kinh doanh đang “xài nhạc chùa”. Chỗ nào có sử dụng âm nhạc để kinh doanh thì việc thu tác quyền là hiển nhiên”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, (Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam)