Cưới hỏi văn minh, đỡ gánh nặng “mâm cao cỗ đầy”:

Thay đổi tập quán lạc hậu "ma chê, cưới trách"

ANTD.VN - Do phong tục cũ còn nặng nề, lưu dấu nhất là ở những vùng ngoại thành Hà Nội, khi mà người dân ở đây vẫn tồn tại quan niệm cưới con là phải to nhất làng thì mới “mát mặt” các đấng sinh thành, thế nên chẳng có đám cưới nào dưới 100 mâm cỗ, cá biệt có nơi lên tới 200-300 mâm, đám cưới dềnh dang trong mấy ngày liền. 

“Đám cưới nếp sống mới” ngày càng được nhiều đôi uyên ương lựa chọn tổ chức

Sau khi Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” được ban hành, số lượng mâm cỗ trong tiệc cưới tại khu vực ngoại thành Hà Nội đã giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa ở mức mong muốn. Bởi lẽ, xác định, đây là việc làm lâu dài, kiên trì và cần có nhiều giải pháp đồng bộ...

Những hạn chế điển hình

5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng vẫn còn những hạn chế chưa thể ngày một ngày hai mà khắc phục được. Việc tưởng chừng như đơn giản là giải thích cho người dân hiểu thế nào là “khách mời” cũng khó. Ở những vùng ngoại thành Hà Nội thường họ hàng quần tụ trong làng rất đông. Khi nhà có việc thì người trong họ được tính là người nhà hay là khách cũng là đề toán phức tạp cho cán bộ địa phương. 

Chỉ thị nêu rõ khách mời không quá 300 người tại ngày tổ chức lễ cưới sẽ dẫn đến tình trạng biến tướng mời khách trong lễ ăn hỏi, dựng rạp. Một số đám cưới làm rạp lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông. Một số lễ cưới thuê âm thanh mở quá lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân lân cận…

Cũng cần phải thừa nhận rằng, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; chưa quan tâm tới việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên, linh hoạt và chủ động.

Việc xây dựng các mô hình cưới theo quy ước của thành phố và ở các xã, thị trấn chưa có sự đầu tư và chú trọng nên chưa định hình được mô hình cưới nào có tính chất phổ biến; phát hiện, xây dựng, nhân rộng, nêu gương các tập thể cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị chưa nhiều.  

Với quy mô gia đình ít con như hiện nay, tâm lý cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn được chia sẻ niềm vui với tất cả mọi người quen biết, mong muốn mọi người chia vui cùng gia đình vào bữa cơm thân mật và muốn tổ chức cho đầy đủ để làm kỷ niệm ghi nhớ cho con cháu, do đó hạn chế số lượng khách mời cũng là vấn đề gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, nhiều đám cưới tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể được tổ chức ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những đám cưới này mới mang tính thí điểm, thường do Đoàn Thanh niên hoặc ban, ngành, đoàn thể nào đó đứng ra tổ chức, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Đối tượng hưởng ứng thường là đảng viên trẻ hoặc hội viên các ban, ngành, đoàn thể.

Sau mỗi đợt thí điểm rầm rộ, hình thức cưới này chưa thực sự được quan tâm duy trì và nhân rộng. Bởi thế, mô hình cưới theo nếp sống văn minh là gì, tổ chức như thế nào vẫn được hiểu chung chung, chưa hình thành rõ nét. Người dân tự giác tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà, đăng ký cưới tập thể chưa nhiều. Người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng chưa nhiệt tình hưởng ứng. Vẫn còn một số trường hợp tảo hôn, đi ăn cưới trong giờ hành chính… Chưa có hình thức nhắc nhở cảnh cáo phê bình kỷ luật khi cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Chỉ thị. 

Chỉ rõ nguyên nhân, khắc phục tồn tại

Để thay đổi tập quán lạc hậu, lâu đời còn nặng nề “ma chê cưới trách” không dễ dàng gì lại càng không phải chỉ làm trong một thời gian ngắn mà đã thành công ngay được. Bởi lẽ, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là nội dung nhạy cảm, định tính, đa phần dựa trên tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên. Mặt khác, một số quy định chưa được cụ thể hóa. Ví như, tổ chức cưới phải lành mạnh, tiết kiệm, nhưng thế nào được coi là tiết kiệm, là lành mạnh, là cưới to thì vẫn còn chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí xây dựng mô hình cưới, việc tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chưa thường xuyên nên việc khuyến khích động viên thực hiện các nội dung của Chỉ thị còn hạn chế. Chính vì thế, trong thời gian tới, để Chỉ thị 11-CT/TU thực sự đi vào cuộc sống, thì hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện để các tầng lớp nhân dân học tập và thực hiện theo. 

Chú trọng công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động trong việc xây dựng đời sống văn minh; tổ chức các hình thức cam kết thi đua tới từng gia đình, thôn, xóm, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời,  kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong quá trình thực hiện, đề ra các biện pháp thực hiện đạt hiệu quả. Đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội là tiêu chí đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân tại cơ sở. 

Đặc biệt, khuyến khích, vận động, xây dựng mô hình đám cưới tập thể, đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà để từng bước hình thành cơ bản ý thức tổ chức lễ cưới vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm. Hàng năm, các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy ước tổ dân phố, hướng dẫn cơ sở cụ thể hóa các quy định của thành phố về việc cưới và các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào nội dung quy ước.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của các cấp ủy, của chính quyền các cấp đối với cán bộ, đảng viên về chấp hành thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, đảm bảo việc nêu gương cho quần chúng noi theo. Xây dựng kế hoạch và có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; có hình thức nhắc nhở phê bình kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên không nghiêm túc thực hiện Chỉ thị. 

Thực hiện Chỉ thị 11, nhiều địa phương từ chỗ tổ chức đám cưới 2 - 3 ngày, nay rút xuống 1 ngày; từ chỗ số đông thành viên trong 1 gia đình của thôn, xóm dự đám cưới, nay chỉ còn đại diện các gia đình; từ 100 đến 150 mâm cỗ khách mời nay chỉ còn 50 mâm, tiêu biểu như các xã Đồng Trúc, Hạ Bằng, Chàng Sơn, Phùng Xá, Bình Yên, Tân Xã, Đại Đồng (huyện Thạch Thất).

Các đám cưới phần lớn đã thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình, giảm đáng kể hiện tượng tảo hôn như ở huyện Ứng Hòa, trước khi ban hành Chỉ thị 11 toàn huyện có 27 đám cưới tảo hôn nhưng đến năm 2015 chỉ còn 4 đám cưới tảo hôn. Ở vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao của 7 xã miền núi trong huyện Ba Vì đã bỏ tục thách cưới bằng bạc trắng. Việc đăng ký kết hôn đảm bảo theo đúng quy định, việc trao giấy kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn.