Nhà thơ Dương Tường:

Phe nước mắt của tôi nhiều và rộng lắm

ANTD.VN - Dịch giả Dương Tường ra mắt cuốn “Dương Tường thơ” đúng dịp sinh nhật lần thứ 85 của ông. Hôm ra mắt sách, cứ ai nâng niu đưa sách xin chữ ký thì ông đều nghiêng nghiêng đầu, ghé bảo: “Tôi ký thôi nhé, bạn phải tự điền tên. Thông cảm cho tôi, mắt tôi kém rồi”.

Thi thoảng, Dương Tường chẳng may quên, ông “tua đi tua lại” một chuyện đã nói. Vì đời sống và thơ còn dâng trong lòng ông nhiều ngậm ngùi thương nhớ, ông nói từ tốn, chùng chình như thể đang xem một bộ phim cũ, như kể một câu chuyện xưa rất dài...

PV: Thưa ông, để ra được cuốn “Dương Tường thơ”, chắc hẳn ông đã dành nhiều tâm huyết?

Nhà thơ Dương Tường: Công sức của tôi bao nhiêu năm trời ấy chứ... Không phải tất cả những đêm hôm tôi đều thao thức, nhưng có những lúc tôi trằn trọc. Giờ được cầm trên tay cuốn sách, tôi thấy ưng ý.

Không lấy tên một bài thơ đại diện để đặt tên cho cuốn sách, không chọn dùng một cái tên nào đó mỹ miều, vì sao ông quyết định đặt tên sách là “Dương Tường thơ” - gắn tên mình vào thật chắc chắn?

Tập thơ này coi như tổng kết đời thơ tôi. Đã đến lúc nghĩ tổng kết - đóng lại đời thơ vì bây giờ, tôi cảm thấy mình không viết được nữa. Nhớ lại, thời sung sức nhất tôi làm được mấy bài thơ, tôi chẳng nói được. Những lúc nào mà cảm hứng đến, nhà thơ - là tôi chỉ biết vâng lời. “Dương Tường Thơ” nói đúng ra đó là tuyên ngôn của tôi, tuyên ngôn về cách sống của tôi. Đó là: Tôi đứng về phe nước mắt. (“Tôi đứng về phe nước mắt” - tên phần I trong cuốn “Dương Tường thơ”).

Phe nước mắt của tôi là những người đàn bà bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi... Phe nước mắt của tôi còn là những người đã ngã xuống... Nói chung, phe nước mắt của tôi nhiều và rộng lắm, đến mức dường như quá nửa nhân loại.

Chân dung nhà thơ Dương Tường do danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vẽ

Nhiều người băn khoăn chất liệu ông làm thơ từ đâu? Thiên nhiên, con người, các mối tình cũ... điều gì được ông cho chiếm phần lớn trong đời thơ mình?

Thiên nhiên, con người, các mối tình cũ... đến với tôi trong từng lúc. Mỗi cái đều là một kiểu cảm hứng, cách thức khác nhau. Có khi thơ đến với tôi bắt nguồn từ kỷ niệm. Lại có khi cảm hứng tạo thành bất chợt: một đám mây, một nụ hoa... Để chỉ ra bài thơ mà tôi tâm đắc nhất thì... khó nói lắm. Đọc “Dương Tường thơ” chắc là bạn đọc sẽ thấy được tình yêu quê hương đất nước Việt Nam của tôi.

Có ý kiến cho rằng, những bài thơ ông viết ra như những bản nhạc, và chính ông cũng đặt tên những bài thơ từ những dấu hiệu âm nhạc như “Sarenade 1”, “Sarenade 2”, “Romance 3”, “Tình khúc 24”... Ông có thể chia sẻ về tình yêu của ông dành cho cây dương cầm?

“Phải có nhạc trước hết tất cả” là quan điểm tôi tâm đắc nhất về thơ. Tính nhạc được tôi đặt lên rất cao trong những bài thơ tôi viết. Mọi thứ của tôi thì tôi đều tự học, kể cả ngoại ngữ, âm nhạc... và vẽ nữa. Mà trong “Dương Tường thơ”, bạn đọc có thể thấy được phụ bản là bức tranh do tôi dùng kỹ thuật xé dán hay bức tự họa bằng bút bi. Tôi đặt âm nhạc, hội họa trong thơ và bên cạnh thơ khi nguồn cảm hứng dâng trào vì nó đòi phải xuất hiện. Thơ đòi tôi làm như vậy.

Với độc giả, ông có mong muốn gì chăng?

Tôi viết thơ với một nguồn mạch xuyên suốt, tản mạn trong đời sống lúc vui, lúc buồn. Độc giả sẽ nhìn như thế nào về thơ? Độc giả phải tự trả lời, tôi không trả lời thay được. Có lẽ bây giờ tình yêu mọi người dành cho thơ đã ít hơn ngày xưa. Thời chúng tôi những người trẻ đều có quyển sổ để chép những bài thơ yêu thích. Theo tôi, thơ còn phát triển, còn có những con âm, con hình, có những con bóng... Sự phát triển của thơ không chỉ dừng lại ở “Thơ mới” là hết mà còn phát triển lên nữa.

Dịch giả, nhà thơ Dương Tường tên đầy đủ là Trần Dương Tường, sinh ngày 4-8-1932 tại thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng năm 1945 tại Vĩnh Yên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ năm 1949-1955) tham gia quân đội, cán sự văn nghệ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Dương Tường bắt đầu làm thơ từ năm1952; dịch sách từ năm 1961, tới nay ông đã dịch trên 50 tác phẩm, xuất bản 4 tập thơ, trong đó có 2 tập in chung.

“Dương Tường thơ” là tuyển tập những sáng tác rải rác trong cuộc đời tác giả , được chia làm 4 phần: “Tôi đứng về phe nước mắt”, “Le soir est tout soupirs”, “At the Vietnam wall” và “Thơ thị giác”. Phụ lục gồm những bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình như Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên, Trần Trọng Vũ… và một phần Cộng hưởng do dịch giả Phạm Toàn chọn dịch từ những bài thơ của học sinh trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội (trường Alexandre Yersin) gửi cho nhà thơ Dương Tường.