Ở Philippines, khắp nơi người ta nhảy múa hát ca

ANTD.VN - Cách đây 2 thập kỷ, tôi đã thấy các ban nhạc người Philippines hay xuất hiện ở Hà Nội và TP.HCM. Ban nhạc thường gồm 1 nữ ca sĩ, 1 tay trống và 1 guitar. Tất cả đều da ngăm ngăm, hát tiếng Anh như người Mỹ, biểu diễn điêu luyện và cuồng nhiệt. Người Venezuela có lò đào tạo hoa hậu. Lẽ nào quần đảo Philippines cũng lại có sẵn lò đào tạo ban nhạc? 

Dường như người Philippines đi hát thuê khắp thế giới. Chẳng công ty chuyên tổ chức sự kiện nào lại không “ém” sẵn vài ban nhạc này để ngay khi cần là “chèn” vào chương trình của họ. Lần này, vừa ra khỏi Sân bay quốc tế Ninoy Aquino, tên người anh hùng Philippines trong cuộc Cách mạng nhân dân, tôi chợt hiểu lý do vì sao những ca sĩ Philippines lại xuất hiện khắp mọi nơi và được ưa chuộng đến thế.

Sống trong âm nhạc

Ấy là vừa lên xe, anh chàng lái xe chưa kịp nhấn ga đã cuống quýt bật nhạc, những bản nhạc tiếng Anh thời thượng vui vẻ. Thế rồi bất cứ khi nào lên taxi tôi cũng được thưởng thức âm nhạc, hết “All at once” của Whitney Houston rồi lại đến “Just Dance” của Lady Gaga. Được nghe nhạc gì là tùy thuộc vào sở thích của lái xe ấy, nhưng nhìn chung gu của họ tương đối cao. Đương nhiên vũ trường, bar, cà phê ở Philippines chỉ toàn nhạc sống. Vào nhà hàng, chưa kịp ăn muỗng súp đầu tiên đã thấy ban nhạc 1 tay cello, 2 tay guitar tiến ra sát bàn mình mà ca hát. Mới đầu khách còn ngại, mới ngồi thẳng lưng để nghe nhạc, sau đói quá, khách cứ việc gặm đùi gà còn ban nhạc vẫn thánh thót bên tai những bản “Hotel   California”; “Let it be”; “Stand by me”… 

Đi mua sắm, đang còn mải nhòm giá niêm yết trên cổ áo thì giật bắn mình vì tiếng nhạc rộ lên, rồi hơn chục nhân viên nam nữ đồng loạt cầm quạt nhảy múa tập thể theo một vũ điệu vui nhộn. Hỏi ra mới biết theo lệ của shop Kultura, mỗi ngày nhân viên phải nhảy múa mấy bận như thế, lúc 9h, 12h, 15h và 18h. Nhảy múa xong, các nam nhân viên còn cầm micro hát cho khách nghe. 

Tôi đi dự diễn đàn giáo dục của tổ chức SEAMEO INNOTECH (Tổ chức của các Bộ trưởng Giáo dục khu vực Đông Nam Á) với chủ đề “Khôi phục niềm đam mê trong giảng dạy”. Ở đây, tôi gặp ông Pasig - một giáo viên với thâm niên 56 năm giảng dạy, giờ ngót 80 tuổi. Ông Pasig lên diễn đàn, vừa nhảy múa vừa hát trong lúc diễn thuyết. Còn cô Ana Lysa, điều phối viên dự án, đầu giờ học luôn bắt cả lớp đứng lên để nhảy múa theo điệu “chim cánh cụt”.

Trên màn hình xuất hiện 3 vũ công trong điệu nhảy ngộ nghĩnh, cô Ana Lysa đứng trước nhảy mẫu cho chúng tôi theo. Vậy là cả lớp, từ bà Thứ trưởng Bộ Giáo dục Cambodia, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Lào cho đến anh thầy giáo dạy sinh vật Brunei, cô giáo tiểu học Indonesia; từ Tiến sĩ Nurlaela chít khăn đạo Hồi cho đến cô giáo Munna nhút nhát ăn chay niệm Phật; từ bà Thứ trưởng Malaysia sém đến tuổi về hưu cho đến thầy Sigit Wiyono trẻ măng mới ra trường, tất cả bị bắt nhảy múa đến khốn khổ theo điệu “chim cánh cụt”. Này thì nhún. Này thì lắc hông. Này thì hai tay xòe ra như chim mà xoay mòng mòng. Cái đó cô Ana Lysa gọi là để “hâm nóng niềm đam mê giảng dạy”. Cô Ana đương nhiên nhảy rất thuần thục dù đã hơn 40 tuổi, và cô cũng vui nhộn như nhiều người Philippines khác. Dường như sau câu chào “Mabuhay” thân thiện, ai ai cũng sẵn sàng ca hát và nhảy múa.

Ở quốc gia vui nhộn này, nhà tù Cebu cũng có tên trong danh sách “Chuyện lạ thế giới” vì tất thảy các phạm nhân mặc đồng phục màu da cam đã nổi tiếng với những màn nhảy múa tập thể đầy gợi cảm. Thậm chí những vũ đạo vô cùng khó của Michael Jackson cũng được phạm nhân thể hiện thành công, đến nỗi vô khối du khách đã tới nhà tù để thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật. 

Niềm say mê âm nhạc và các điệu nhảy có lẽ luôn bắt nguồn từ những cư dân trên các hòn đảo. Chiêm ngưỡng các điệu múa dân gian trong nhà hàng Jamboanga ở khu phố Tây sát bờ Vịnh Manila, tôi nhìn thấy trong đó sự dũng mãnh, hoang dại của những người dân trên đảo Sumatra, Java, sự nhịp nhàng uyển chuyển của điệu Lamvong, nét đài các, quyến rũ của những vũ công Apsara và cả sự hồn nhiên, vui nhộn trong múa sạp của người Tây Bắc xứ Việt. Ấy là nét tương đồng của các vũ điệu dân gian thuộc vùng Đông Nam Á, nhưng ở những vũ công Philippines, có thể còn tìm thấy hơn cả sự mềm dẻo, nóng bỏng, gợi tình và cực kỳ vui nhộn. Đặc tính của cư dân đảo kết hợp với văn hóa thuộc địa Tây Ban Nha tạo nên một tính đồng nhất khó phân tách, nhưng tựu trung là sự cuốn hút đến ngẩn ngơ trong tiếng trống dập dồn và những động tác gấp gáp cuồng nhiệt.

Ở Philippines, khắp nơi người ta nhảy múa hát ca ảnh 2Ông Pasig - thầy giáo của Tổ chức của các Bộ trưởng Giáo dục khu vực Đông Nam Á vừa nhảy múa vừa hát trong lúc  diễn thuyết

Thành phố của màu sắc và thanh âm

Người Tây Ban Nha đã thống trị hòn đảo này trong suốt 350 năm, rồi đến người Mỹ ngót nửa thế kỷ, vì vậy văn hóa Philippines đậm đặc tính Tây phương. Nhiều công trình của Tây Ban Nha vẫn còn đó trên đường phố Metro Manila như trường đại học cổ Santonio Tomas, bưu điện thành phố và vô số nhà thờ Thiên chúa giáo. Cách đây vài năm, tôi đã dịch một truyện ngắn của nhà văn người Philippines, Vicente Rivera, Jr, tựa đề bản gốc là “All over the world” (Khắp nơi trên thế giới). Câu chuyện ngọt ngào cay đắng lấy bối cảnh là khu Intramuros khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu chạm đến hòn đảo này. Nhân vật chính đầy cô đơn và cô gái Maria yêu văn học bị chia rẽ mỗi người một nơi, chấm dứt những ngày đẹp đẽ trên hoàng hôn đại lộ. Giờ thì tôi đang đứng trong khu phố cổ Intramuros, nơi đã từng rất phồn vinh rồi lại nhanh chóng biến thành khu ổ chuột từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và hiện được bảo tồn làm di sản cho khách du lịch đến tham quan. 

Intramuros là điểm thú vị nhất Manila. Những con phố nhỏ hẹp trải đá dẫn đến các tòa nhà cổ và nhà thờ Thiên chúa giáo còn vẹn nguyên kiến trúc cổ kính của Tây Ban Nha. Và nếu không có vài bác lái xe pedicab lững thững đạp xe trong phố cổ mà chỉ nhìn cỗ xe ngựa lọc cọc men theo những bức tường rào trắng toát đặc trưng của xứ Tây Ban Nha thì tất nhiên, tôi lại cứ tưởng mình đang ở một thành phố nào đó bên bờ Địa Trung Hải. Tôi thuê một bác pedicab, là loại xe đạp mini nhỏ tí xíu với một ghế ngồi cũng tí xíu bên cạnh, kiểu xe ba bánh. Pedicab có cả xe đạp và xe gắn máy, sơn xanh đỏ giống một thứ đồ chơi ngoài công viên mà tôi không hiểu sao họ lại làm cho nó nhỏ tí như thế. Bác lái xe tên Jay khoe với tôi bác là pedicab có thẻ. Vậy là còn có cả pedicab chui không được cấp thẻ (bằng lái). Bác đạp xe đưa tôi đi lòng vòng quanh bức tường thành xám xịt bao lấy Intramuros rồi lại quay về khu nhà thờ cổ. Phía bên kia là pháo đài Santiago giờ biến thành vườn hoa có bán vé. Tôi cũng lại thuê một cỗ xe ngựa chạy vòng quanh pháo đài với giá 50 Peso. Xe ngựa ở đây thiết kế cầu kỳ như dành cho hoàng tử xứ Tây Ban Nha. Và nếu trả thêm tiền thì nó sẽ kéo bạn ra tận ngoài vịnh. 

Dọc theo đại lộ Roxas, những ngọn đèn đường đủ màu sắc sặc sỡ như trong khuôn viên một khu giải trí. Đây là thứ kiến trúc ánh sáng ngoài trời đặc trưng của một thành phố đảo vui nhộn. Người Philippines ưa âm thanh và màu sắc. Trên đường phố, pano quảng cáo thường để ở cỡ cực đại và nhiều đến độ có thể so sánh với Hồng Kông (Trung Quốc). Nhiều họa sĩ sang Philippines du học, khi về ca ngợi giáo dục nghệ thuật của họ hết lời. Phillippines chính là nơi sản sinh ra nhiều họa sĩ nổi tiếng. Hội họa của họ phát triển, có lẽ chăng còn nhờ ảnh hưởng không thể phủ nhận của thời thuộc địa kéo dài dưới quyền cai trị của vương triều Tây Ban Nha, quê hương của Francisco Goya và Picasso.