Người Hà Nội nói gì về ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn?

ANTD.VN -Ngay sau khi thông tin này được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên một làn sóng dư luận. Nhiều người cho rằng, hồ Gươm không phải là nơi thích đặt gì thì đặt và không phải hễ có ý tưởng gì đều đưa ra hồ Gươm được.

Hôm qua 28-3, một công dân Hà Nội trình UBND TP Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng hồ Gươm” bên hồ Hoàn Kiếm. Tượng rùa dự kiến sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Đề xuất ý tưởng cũng nêu 2 phương án đặt rùa, một tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, hai là đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Kinh phí huy động xã hội hoá.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên một làn sóng dư luận. Nhiều người cho rằng, hồ Gươm không phải là nơi thích đặt gì thì đặt và không phải hễ có ý tưởng gì đều đưa ra hồ Gươm.

Trao đổi cùng PV Báo An ninh Thủ đô, nhà văn Đỗ Phấn, người sinh ra và lớn lên ở khu vực hồ Gươm bảo, đây là một đề án “không thể tưởng tượng nổi”. Hà Nội đã có quá nhiều những thứ nghệ thuật thừa thãi rồi, không nên thêm nữa. Bấy lâu nay, việc rùa trả gươm báu cho Lê Lợi nhuốm màu truyền thuyết, phàm đã là truyền thuyết không nên cụ thể hóa nó. Nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh.

Phối cảnh tổng thể đề án tượng rùa hồ Gươm

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng đồng quan điểm nói trên. Tác giả của “5678 bước quanh hồ Gươm” cho rằng, truyền thuyết vốn đẹp, phủ lên nó là lớp sương mờ ảo, không gian hồ Gươm là không gian thiêng, vì thế cụ thể hóa sự tồn tại của loài rùa sống dưới đáy hồ bằng một bức tượng rất to, không biết xấu đẹp thế nào vô hình chung làm “tục hóa” không gian thiêng.

Bên cạnh đó, phía Tây đã có tượng vua Lê chỉ tay xuống hồ, hình ảnh gợi lại truyền thuyết về truyền thống chống giặc ngoại xâm và bài học về chữ tín. Không nên đặt thêm tượng rùa, như thế là thừa. Việc một công dân đưa ra ý tưởng đề án là đáng biểu dương. Tuy nhiên, hồ Gươm không phải chỗ thích gì thì làm.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt bày tỏ quan điểm, quanh hồ Gươm đã có đền Ngọc Sơn, tháp Bút, gò rùa, đình Nam Hương, tượng vua Lý Công Uẩn, vua Lê Thái Tổ, đền Bà Kiệu…thế là đủ rồi, không cần thêm một "kỳ quan" là tượng rùa nữa. Nếu thêm sẽ phá vỡ cảnh quan hồ. Hại không gian. Hại cảnh quan và hại cả truyền thuyết về rùa vàng.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho rằng, nếu làm tượng rùa, chỉ nên đúc nhỏ cỡ 500 gram

Sau khi phân tích tượng rùa với góc nhìn của nhà điêu khắc, ông Đinh Công Đạt cho biết, trong điêu khắc, rùa là một loại hình khó tạo cho đẹp được, nhất là với hình khối to tới 10 tấn như đề xuất. Nhà điêu khắc đưa ra ý tưởng, sau không làm những con rùa nhỏ cỡ 500 gram thôi, nhỏ mà tinh tế, chứ phàm to tới 10 tấn mà lại xấu thì cực kỳ đáng sợ. Tượng rùa là công trình văn hóa nên phải cân nhắc đề xuất, không thể nhìn, nghĩ dưới con mắt của một thợ đúc đồng được.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng bày tỏ quan điểm, rằng đây là không gian thiêng, không thể tùy tiện đặt tượng với hình khối lớn như vậy vì nó sẽ phá vỡ cảnh quan.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết: “Tôi không đọc kỹ đề án, nên cũng không biết họ xây dựng tượng rùa kiểu gì, nhưng dù dựng kiểu gì ở ngoài bờ hồ thì cũng không nên. Đã có tượng cụ Lý Công Uẩn, tượng cụ Lê Thái Tổ rồi không nên dựng thêm bất cứ tượng nào ở quanh hồ nữa. Rùa là một trong tứ linh hộ pháp trong chùa. Đừng mang ra ngoài dựng tượng mà thờ nữa. Không được đâu!