Món ăn "ngoại lai" khó cạnh tranh với ẩm thực truyền thống

ANTD.VN - Ít nhiều làm phong phú thêm đời sống và tâm hồn con người, mỗi món ăn lại có một đời sống của riêng nó: món thì vừa mới xuất hiện đã được hưởng ứng ngợi ca hết lời rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng, món lại điềm nhiên, giản dị nhưng gắn bó từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những món ăn truyền thống không chỉ gắn bó với người Hà Nội mà còn thu hút nhiều thực khách quốc tế

Sau nhiều năm mở cửa và đổi mới, Hà Nội tiếp thu và học hỏi rất nhiều thứ mới mẻ từ bên ngoài, có những thứ được tiếp nhận và có một chỗ đứng nhất định ở Hà Nội, có những thứ lại phải bùi ngùi nói lời tạm biệt. Bởi vậy mới nói, “nhập gia tùy tục”, Hà Nội không diêm dúa xa hoa, nhưng Hà Nội cầu kỳ và tinh tế. Sự “sớm nở tối tàn” của những món ăn bóng bẩy mới lạ đã chứng minh: nét mộc mạc, duyên dáng trong ẩm thực truyền thống của Hà Nội để mà lay chuyển được thì rất khó.

Trào lưu chóng vánh

Đã có năm Hà Nội người người nhà nhà kéo nhau đi ăn chè khúc bạch giải khát mùa hè. Phố Hàng Bông, Hàng Điếu, Hàng Bạc, Hàng Than… giờ tan tầm tới tối muộn lúc nào cũng tấp nập người hỏi tìm quán có chè khúc bạch ăn thử. Lúc ấy, có người khen trầm trồ khen từng miếng khúc bạch trắng, xanh, hồng… sao mà cắt khéo thế; hạt é, hạnh nhân rắc lên trên sao mà bắt mắt, đặc biệt thế.

Nhưng thật lạ kỳ, ăn một bát, hai bát, ba bát… thử vị trà xanh, sô cô la rồi vị dâu… nhiều người lại cảm thấy bình thường, sực nhớ ra ban đầu họ ăn vì tò mò, vì nghe mọi người truyền miệng nhau rằng mới có. Dần dần món chè này nhanh chóng “bay đi”, hệt như cách ban đầu nó đến vậy. Người ta còn ví, chè khúc bạch như bông hoa “sớm nở, tối tàn”, chỉ tiếc khi tàn rồi, rất ít người còn nhớ nhung và những mùa hè sau, thực khách lại thèm chè sen nhãn Hà Nội, chè đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ bà và mẹ nấu.

Tương tự là sự nổi lên của món “Mỳ cay 7 cấp độ”. Nhiều người vung tay đầu tư hàng tỷ đồng mở quán nuôi mộng ước làm giàu, rồi lại tức tốc đóng cửa để cắt lỗ. Chỉ sau vài tháng rầm rộ tấp nập, quán ít khách dần, có lúc vắng hoe không một bóng người. Phần lớn thực khách chọn mỳ cay chỉ để thử cho biết. Vui hơn thì thách đố sức chịu đựng ăn cay nóng của bản thân hoặc thi đua ăn cay với bạn bè mình. Song, thách thức lại chẳng thực hiện được mãi, ngay cả những tín đồ ăn cay nóng cũng ngần ngại trước những ca ăn mỳ cay xong vào viện cấp cứu vì đau dạ dày.

Theo anh N.H.K, admin trang “Hội những người suốt ngày hỏi “Ăn gì bây giờ nhỉ?”: “Cafe take away, mỳ cay, trà sữa… đều là những trào lưu ngoại nhập và hướng đến giới trẻ, nhóm đối tượng thường xuyên thay đổi thói quen tiêu dùng. Những cơn sốt như thế này sau khi đi qua sẽ lại nhường chỗ cho những cơn sốt khác”.

Khó bỏ ẩm thực truyền thống

Nếu như các trào lưu phục vụ nhu cầu mang tính bề nổi và hình thức thì ở thái cực ngược lại, cà phê truyền thống, hàng ăn như bún, miến, cháo, phở lại phục vụ nhu cầu thực tế, với nhóm đối tượng chính là khách hàng đã trưởng thành và có những thói quen nhất định.

“Ở đất Hà thành, KFC đứng vững nhờ món gà rán, còn Starbuck lại chưa đạt thành tựu gì với loại cà phê mà người ta hay gọi là “nước cà phê”. Lẽ vì sao? Gà rán thì Hà Nội chưa có, còn cà phê thì Hà Nội thiếu gì” - chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt chia sẻ. Cà phê truyền thống “ăn ở” với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đã hàng trăm năm nay, cớ gì lại không khiến người Hà Nội coi nó như một thú ẩm thực  ăn sâu vào tiềm thức?

Chưa nói đến vị cà phê truyền thống đậm đà, sánh đặc hơn hẳn thứ “nước cà phê” nhờ nhờ kia. Bên cạnh đó, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt khẳng định: “Phở, bún, miến, có thể thay cơm mỗi khi chán cơm chứ khó có loại thực phẩm nào có thể thay cơm trở thành bữa ăn hàng ngày của người Hà Nội được. Phở hay mỳ Ý cũng từ bột gạo mà ra, nhưng có lẽ cái gì đến trước, trở thành thói quen, trở thành cái chuẩn hơn để so sánh thì khó có thể thay đổi”. 

Và có lẽ, người Hà Nội gắn bó với ẩm thực truyền thống không chỉ bằng hương vị, bằng ngon bổ mà bằng cả những thứ vô hình nội tâm như kỷ niệm, sự yên tâm, vô cùng quen thuộc từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành… Ẩm thực không chỉ là câu chuyện của riêng mỗi người, nó là một câu chuyện chung về tinh hoa, văn hóa.