Khơi dòng mát trong để sử Việt làm say mê người Việt

ANTD.VN - Đã 23 năm kể từ khi nhà văn Lưu Sơn Minh dấn thân vào con đường tiểu thuyết lịch sử. Đi trên con đường này, anh luôn tâm niệm: viết không được vội, không thể viết theo kiểu “ăn đấu, làm khoán”, hư cấu trong biên độ và dù mừng rỡ khi cảm hứng đến, vẫn phải lý trí vô cùng.

Nhà văn Lưu Sơn Minh

Mới đây, nhà văn Lưu Sơn Minh ra mắt bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản”. Nói về mối duyên với lịch sử của mình, Lưu Sơn Minh hồi tưởng về thời thơ ấu bên ông ngoại - người đã kể anh nghe những câu chuyện với giọng thâm trầm và yêu thương, đưa anh đọc những cuốn sách về lịch sử đầu tiên. Anh cũng không quên được những cuốn truyện lịch sử của tác giả Hà Ân, Nghiêm Đa Văn… đã gắn bó với anh trong suốt quá trình trưởng thành.

Nỗi sợ học Lịch sử

Chia sẻ về vị thế của lịch sử trong dòng chảy đương đại, Lưu Sơn Minh nói điều làm anh lưu tâm là phần lớn trẻ em sợ môn Lịch sử. Nhiều em say mê đọc thần thoại Hy Lạp, thuộc sử Trung Quốc, trong khi lịch sử Việt Nam lại không thể. Lý giải điều này, Lưu Sơn Minh nói về tâm lý của học sinh: thông thường, cứ nghĩ tới lịch sử là thấy những con số khô khan; đôi khi, nỗi sợ bắt nguồn từ cách xây dựng bài giảng, các em quen với việc thụ động lắng nghe kiến thức từ thầy cô giáo. Việc tiếp nhận một chiều như vậy đương nhiên không thể gây hứng thú.

Theo tác giả: “Lũ trẻ đương nhiên luôn luôn thích những cái gì mới lạ, sự hăng say, hứng khởi, cuộc phiêu lưu mà thực ra trong lịch sử rõ ràng có đầy đủ những điều đó: có hấp dẫn, phiêu lưu; có hào khí chiến trận đánh giặc xâm lược bảo vệ chủ quyền”... Hơn nữa, nhất là với các em trai, những chiến trận lẫy lừng như Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thời Trần 3 lần đại thắng quân Mông-Nguyên… luôn luôn hấp dẫn.

Song, ngay cả thời đi học của tác giả cũng vẫn trải qua nỗi sợ học Lịch sử, bởi nỗi khổ khi phải cố gắng thuộc lòng con số, ghi nhớ dữ kiện dày đặc đến ngột ngạt. Nào là, quân ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn được bao nhiêu máy bay, hạ được bao nhiêu xe tăng, bắt được bao nhiêu tù binh… Thậm chí, nhiều em còn đùa rằng, học Lịch sử như tụng kinh mà không hiểu, không quan tâm đến bài kinh đó.

Là một người yêu sử sách và từng được những câu chuyện lịch sử dẫn dắt đến nghiệp viết với đề tài lịch sử, Lưu Sơn Minh bày tỏ niềm mong mỏi thiếu nhi sẽ có những bài giảng bớt khô khan, được truyền tải không chỉ tri thức mà còn được truyền tải cảm hứng, hào khí, tinh thần của lịch sử.

Bìa tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản 

Lịch sử còn vẹn nguyên giá trị

Sinh năm 1974, năm 1994 bắt đầu viết truyện ngắn lịch sử đầu tay “Chim sâm cầm chưa về” (được chọn là Truyện ngắn của năm 1996 trên Báo Văn nghệ trẻ), tới năm 1999 viết truyện dài Trần Quốc Toản rồi phát triển thành tiểu thuyết với diện mạo, nội dung kết tinh và chắt lọc hôm nay; 23 năm ấy Lưu Sơn Minh chưa từng cảm thấy thiệt thòi, dẫu đây là thể loại khan hiếm trên thị trường, bạn đọc không quá dễ tiếp cận, hay dễ dàng bị vướng vào thị phi, bị “ném đá”… Lưu Minh Sơn bảo: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy băn khoăn. Nếu mà tính hơn thiệt thì không làm được bất cứ việc gì”.

Cảm hứng viết đến ngẫu nhiên và Lưu Sơn Minh phải nhanh nhẹn bắt lấy, dù đó là lúc đang ăn cơm, nửa đêm đang ngủ, hay khi nằm thao thức chờ mới lại nảy ra. Như khơi một dòng nước mới mát trong để bắt vào nguồn mạch lịch sử tự hào, tiểu thuyết lịch sử kể lại câu chuyện để người đọc sống lại cảm giác của thời đại đó, chia sẻ với những thân phận. Anh kiên quyết dù cảm hứng tới đâu vẫn phải tỉnh táo và lý trí, hư cấu kết hợp hài hòa với sử liệu; dày công đọc tích lũy, nghiên cứu để không “vu vạ” cho nhân vật những thứ bất công, không phá vỡ hình tượng nhân vật lịch sử.

Điều thú vị, do sống cùng với lịch sử từ nhỏ nên anh không cảm thấy lịch sử làm bản thân mình trẻ hơn hay già đi, mà đơn thuần lịch sử thân thuộc, bình dị, như hòa cùng đời sống. Anh giãi bày: “Người viết lịch sử như tôi có khi bước vào một ngôi đền, thấy tất cả nhân vật ở phía trước, ngồi trước ngai vàng, và mình có thể thanh thản chắp tay vái họ. Bởi tôi không bị nặng lòng, tôi không bôi xấu họ”.

Anh không mong muốn bạn đọc trẻ đọc xong những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lại thành ra nghi ngờ sách giáo khoa; mà bên cạnh sách giáo khoa có thêm một câu chuyện, một điểm nhìn để nếu đọc tư liệu lịch sử, sẽ dễ nhớ, dễ hình dung về vóc dáng, suy tư nhân vật. Từ đó, mỗi người thêm trân quý lịch sử nước nhà, sử Việt có một chỗ đứng trong lòng người Việt; và biết đâu “mỗi người sẽ tự rút ra được một điều gì đó bổ ích cho chính mình từ những câu chuyện lịch sử”.

Tin cùng chuyên mục