"Hiện thực khác" đằng sau hiện thực ​

ANTD.VN - Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, nhưng cuộc sống chỉ là gợi ý, là nguyên liệu, là đề tài, là khởi đầu. Kết thúc thì nghệ thuật phải sáng tạo lại hiện thực, làm hiện thực ấy mới hơn, đẹp hơn và khác biệt hơn. 

"Hiện thực khác" đằng sau hiện thực  ​ ảnh 1Tác phẩm của Nguyễn Lê Tân góp mặt trong triển lãm "Nhóm hiện thực+"

Mỗi một họa sĩ hiện thực đều phải làm được điều tối thượng là biến hiện thực ấy “khác” với chính nó. Nói cách khác sứ mệnh của họa sĩ hiện thực là cá nhân hóa hiện thực ấy. Một nghìn họa sĩ hiện thực cùng vẽ một dòng sông thì có nghĩa là họ phải “làm” ra 1.000 dòng sông khác nhau. 

Tranh trừu tượng thì không thể kể lại được nhưng tranh hiện thực thì có thể kể. Chẳng hạn dòng sông màu đỏ, phía bên kia sông có bãi ngô…, người thưởng ngoạn một tác phẩm hiện thực sẽ xem họa sĩ “kể” cái hiện thực ấy, dòng sông ấy thế nào, họ không cần biết cái dòng sông mà họa sĩ đã gặp. Họ chỉ muốn thấy cái dòng sông của họa sĩ thôi. Một nghìn dòng sông đều bắt nguồn từ một dòng sông, vậy sự khác nhau chính là ở cách cảm, cách “kể”.

"Hiện thực khác" đằng sau hiện thực  ​ ảnh 2Khoảnh khắc giao thời- tác phẩm của Phạm Bình Chương

Người “kể” bằng màu, người “kể” bằng đậm nhạt, người “kể” bằng bút pháp. Người thì cảm thấy dòng sông hiền hòa, người thì cảm thấy dòng sông màu tím, bãi ngô màu đỏ… Cho dù là hội họa hiện thực, tả thực nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phong cách, có vô vàn con đường để đến với hiện thực cũng như có vô vàn con đường để đến với ấn tượng, trừu tượng… Nghệ thuật luôn cần tiếng nói cá nhân. Nghệ thuật bao giờ cũng là câu chuyện của cá nhân.

"Hiện thực khác" đằng sau hiện thực  ​ ảnh 3Tác phẩm của Phạm Đức Minh

Vẽ một tòa nhà cao tầng, một khu đô thị mới vẫn có thể cũ, ngược lại vẽ mấy ngôi nhà mái ngói âm dương ở phố cổ vẫn có thể mới. Mới hay cũ, khác biệt hay quen thuộc là ở cách nhìn. Làm cho hiện thực ấy khác đi, làm cho hiện thực vẫn thực nhưng là một thực khác còn được hiểu theo chiều nữa.

Đó là đằng sau hiện thực ấy phải có thông tin, có câu chuyện, có ý tưởng. Đằng sau bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung ấy là câu chuyện gì, gợi cho người xem suy nghĩ, liên hệ, liên tưởng, suy tưởng đến một vấn đề gì đó. Đằng sau bức tranh hiện thực ấy là một hiện thực nữa, một hiện thực khác. Bức tranh hiện thực ấy là đường dẫn, là cánh cổng mở ra một hiện thực mới, một hiện thực khác. Mắt nhìn, trái tim rung cảm, bộ não suy nghĩ và bàn tay kỹ thuật thể hiện của họa sĩ phải hòa làm một.

Triển lãm “Nhóm hiện thực +” với hơn 30 tác phẩm diễn ra từ ngày 25 đến 31-12-2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội (khai mạc lúc 17h30, thứ hai, 25-12). Các họa sĩ tham gia: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đình Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức, Vũ Ngọc Vĩnh. Các họa sĩ khách mời: Bùi Hoài Mai, Phùng Quốc Trí, Bùi Duy Khánh, Trần Việt Phú. 

12.2017