Góc nhìn lạ về cuộc nội chiến từng cắt sâu nước Mỹ

ANTD.VN - “Những kẻ khát tình” là bộ phim của đạo diễn Sofia Coppola, dựa theo tiểu thuyết “The Beguiled” của nhà văn Thomas P Cullina. Phim khai thác thế giới nội tâm của những người phụ nữ sống trong thời kỳ cuộc nội chiến khốc liệt đang tàn phá khắp các vùng đất trên hai miền Nam - Bắc nước Mỹ. 

Nữ đạo diễn Sofia Coppola, con gái nhà làm phim huyền thoại Frank Coppola, giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho “Những kẻ khát tình” tại liên hoan phim Cannes 2017, trở thành nữ đạo diễn thứ hai nhận giải này trong lịch sử 70 năm của Cannes.

Góc nhìn lạ về cuộc nội chiến từng cắt sâu nước Mỹ  ảnh 1Dàn diễn viên nữ đã khiến bộ phim thành công hơn hẳn phiên bản 1971

Góc nhìn mới 

Coppola kể lại câu chuyện của “Những kẻ khát tình” dưới góc nhìn nữ giới thay vì góc nhìn của chàng hạ sĩ John McBurney như phiên bản “The Beguiled” năm 1971, giúp người xem cảm nhận được rõ nét hơn những diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật nữ trong phim.

Ngay ở những cảnh quay đầu tiên, John McBurney, một lính liên minh nằm thoi thóp dưới tán cây khu đầm lầy vùng nông thôn Virginia với cơ thể đầy vết thương chảy máu. Âm thanh của cuộc chiến vang lên một cách loạn nhịp, bước chân vội vã trên đám lá cây nhưng không phải là tiếng chân của lính liên bang tìm kiếm anh ta. Thay vào đó là Amy (Oona Laurence), cô gái mới 12 tuổi, nữ sinh chủng viện Martha Farnworth. Cô bị kẹt lại trường khi chiến tranh đã cận kề.

Amy nhìn thấy một linh hồn đang cần cứu giúp và dìu McBurney về chủng viện. Ở đó, cô Farnworth (Nicole Kidman) làm sạch và khâu vết thương cho McBurney. Nằm trên đi văng, với những cô gái xinh đẹp đang chăm sóc vết thương, McBurney như thể nằm trên thiên đường. 

McBurney được mã hoá như một kẻ săn mồi ngay từ đầu. Anh ta là kẻ cơ hội, thích cám dỗ và bị cám dỗ. Tất cả các cô gái trong trường đều dành cho anh ta sự thông cảm, tình thương của giáo hữu Kito giáo. Lợi dụng tình cảm ấy, anh ta điều khiển 4 cô gái trong số họ: Martha, Amy, Alicia và Edwina Morrow. Tóm lại, McBurney không hứng thú gì với chủng viện ngoại trừ các cô gái. Nhưng anh ta đã lầm và không hiểu rằng mình như chim bồ câu giữa lũ mèo.

Đề cập vấn đề gai góc

Năm 2016, khi báo chí thông tin về dự án làm lại bộ phim, giới chuyên môn ngay lập tức bị hấp dẫn và nghĩ rằng sẽ được chứng kiến một phiên bản của Don Siegel năm 1971 với Clint Eastwood và Geraldine Page từng diễn xuất. 

Làm thế nào để nhà làm phim nổi tiếng như Sofia Coppola, người từng đoạt giải Oscar ở hạng mục kịch bản gốc xuất sắc nhất cho phim Lost in Translation (2003) kể lại câu chuyện đề cập đến nhiều vấn đề gai góc: loạn luân, ảo tưởng về đồng tính nữ, ham muốn nhục dục và những cảnh máu me? Khó khăn đến đâu khi diễn tả hành động của McBurney đặt nụ hôn lên đôi môi ngỡ ngàng của cô gái mới 12 tuổi, độ tuổi chưa đủ lớn để hôn?

Và đây là cách: Coppola đã tỉa bỏ hầu hết mọi thứ không cần thiết, tập trung khai thác, chưng cất, chọn lọc những chi tiết tinh tế để đưa câu chuyện từ những vấn đề vốn gai góc trở thành chủ đề của đạo đức mà ở đó mối quan hệ của chị em trong ngôi trường nữ sinh bị xáo trộn vì một người đàn ông và hậu quả khủng khiếp cho người đàn ông ấy.

Để làm rõ chủ đề này, phần lớn hình ảnh trong phim cho thấy đây không phải là bộ phim vội vàng. Những cảnh quay tại chủng viện chậm rãi như thể thời gian đi vòng quanh, từ bình minh đến sẩm tối rồi lại bừng sáng ngày hôm sau. Nó cho thấy cuộc sống của những nữ sinh thật nhàm chán, quanh quẩn cả ngày trong khuôn viên trường học, không thể đi đâu vì chiến tranh. Bù lại, mỗi cảnh quay được thắp sáng bởi những luồng ánh sáng mặt trời hoặc ngọn lửa nến lắc lư tạo thành tác phẩm hội họa theo phong cách của họa sĩ John Singer Sargent, họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu thập niên 1920 ở Mỹ.

Đạo diễn Coppola và dàn diễn viên nữ đã gây ấn tượng khi thực hiện một mưu kế nhẹ nhàng hạ gục McBurney, thể hiện sự kiểm soát và trí tuệ hoàn hảo. Tâm trạng nhân vật được thể hiện rõ nét nhất qua diễn xuất của Nicole Kidman. Ngôi sao này có màn trình diễn tinh tế với tinh thần kỳ lạ, chỉ cần nhìn vào đôi mắt và cặp lông mày sắc sảo là đủ biết cô có khả năng xoay chuyển tình thế.

Nhưng có lẽ tốt nhất là diễn xuất của Kirsten Dunst vai Edwina Dabney. Cô luôn giữ một trái tim đau khổ và thể hiện ra bên ngoài thật cảm động. Bộ phim dù xoáy sâu vào kế hoạch khống chế McBurney nhưng nhờ có cô, vẫn cho người xem cảm xúc nhẹ nhàng.

“Những kẻ khát tình” dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 14-7.

Tin cùng chuyên mục