Gameshow cho trẻ em: Các bé đang làm gì vậy?

ANTD.VN - “Đến hẹn lại lên”, sau một loạt cuộc thi truyền hình thực tế dành cho người lớn, thì những cuộc thi kiểu tương tự dành cho trẻ em bắt đầu rục rịch lên sóng, cũng bùng nổ và gay cấn không kém. Nhưng buồn thay, không biết trong số những em nhỏ ấy, có bao nhiêu em thực sự biết mình đang làm gì, đang phải cố gắng vì ai, vì điều gì?

Sân chơi cho trẻ em, cuộc đua của người lớn

Có lẽ không ít lần, khi vô tình bắt gặp những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các thí sinh nhỏ tuổi trên sóng truyền hình, tôi đã phải tự bật ra câu hỏi thảng thốt: “Bọn trẻ đang làm gì vậy?”

Những bộ quần áo cực kì thời thượng, những kiểu tóc già dặn, những em nhỏ chỉ từ 5 đến 10 tuổi, thậm chí nhỏ hơn, nhưng nhìn vào ánh mắt các em, chúng ta hoàn toàn không thấy được sự ngây thơ và hồn nhiên trong sáng, các em đang hăm hở thể hiện những tiết mục nghệ thuật được đầu tư rất công phu và cảm giác như đã phải cố gắng tập luyện từ rất nhiều ngày: Hát, múa, nhảy, làm MC, biểu diễn catwalk, diễn kịch…

Các em đang làm những động tác biểu diễn, mà tôi nghĩ, nếu để các em tự biên tự diễn, thì chắc chắn các em không bao giờ có thể nghĩ tới được, với những thần thái, phong cách hoàn toàn không còn chút nào bóng dáng của trẻ thơ, và những đôi mắt, hoặc là vô cảm, hoặc là đang cố để thể hiện một “ý đồ” gì đó rất cao siêu mà khi ở tuổi của các em, chắc chắn chúng ta chưa bao giờ nghĩ được.

Và đặc biệt, khi được hỏi về những ước mơ hay nguyện vọng của mình, thì các em sẽ luôn trả lời theo một kiểu rất giống nhaum gần như được lập trình sẵn: “Con muốn mình được tỏa sáng”, “Con sẽ thi đấu hết mình và muốn được trở thành quán quân”…

Tôi không biết có bao nhiêu người có cảm giác giống tôi, nhưng khi nhìn vào những em nhỏ ấy, tôi cảm giác các em như những người lớn thu nhỏ, đang phải oằn mình nặng mang những “ý đồ” của người lớn, của phụ huynh, của ban giám khảo, của ban tổ chức và những nhà sản xuất chương trình. Bao nhiêu gánh nặng đang đè nặng trĩu lên những đôi vai non nớt tội nghiệp. Và không biết trong số những em nhỏ ấy, có bao nhiêu em thực sự biết mình đang làm gì, đang phải cố gắng vì ai, vì điều gì?

Những đam mê non nớt nhuốm màu tham vọng

Thiết nghĩ, bất kể việc học hay việc chơi, nếu để các con thực hiện trên tâm thế “làm vừa lòng người lớn”, thì nó đều thực sự không công bằng với con trẻ và thiếu đi tính nhân văn. Trong những cuộc chơi ấy, có những phụ huynh đã nói do con tôi đam mê, hoặc do cháu “thích quá” nên gia đình mới cho theo.

Nhưng, thực sự là chúng ta đang nhầm lẫn, hoặc “tự lừa dối mình”, vì đam mê thực thụ không bao gồm sự tham vọng, chúng ta đang cố gắng đánh đồng “đam mê nghệ thuật của con trẻ” với “tham vọng thắng thua của người lớn” để biện minh cho mình. Và đáng buồn thay, ở những cuộc thi truyền hình thực tế, không gian dành cho đam mê nghệ thuật thực thụ là quá ít, mà thay vào đó chỉ là những tham vọng nổi tiếng, tham vọng có nhiều “show” sau cuộc thi, (và thậm chí) là tham vọng kiếm nhiều tiền cho gia đình, tham vọng “đổi đời”.

Gameshow cho trẻ em: Các bé đang làm gì vậy? ảnh 1Hiếm có chương trình truyền hình nào mà các em nhỏ tham gia được vui chơi, bộc lộ hết nét đáng yêu, dễ thương của tuổi thơ như "Bố ơi! Mình đi đâu thế?"

Tất nhiên, không ai có quyền đánh giá ước mơ, nhất là ước mơ của những em nhỏ. Nhưng thiết nghĩ, có bao giờ những người lớn thực sự lắng nghe xem các em đang mong muốn gì, ước mơ gì?!

Và liệu khi xem những cuộc thi truyền hình thực tế, có bao giờ người ta tự hỏi: Những đứa trẻ ấy, sau này khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những người như thế nào, khi đã được nhận những lời ngợi ca hết tầm và trở thành ngôi sao tâm điểm của công chúng từ quá sớm? Vì thực tế, cho dù thành công hay thất bại trong những cuộc thi ấy, cái giá phải trả của các em cũng như gia đình là quá đắt. Tệ hại hơn, thậm chí có những em nhỏ khi đã trưỏng thành, các em trở nên mất lòng tin với xã hội nói chung và với ngành nghệ thuật giải trí của nước nhà nói riêng.

Ở độ tuổi của các em, hiển nhiên các em luôn mong muốn được vui chơi, nhưng những người lớn, xin hãy đừng lợi dụng điều đó để biến các em thành những đứa trẻ đáng thương, mà hãy xây dựng những sân chơi đúng nghĩa, đừng để chính con em mình trở thành nạn nhân của những đấu đá, tranh giành, thậm chí là để xây dựng hình ảnh hay thành công cụ thương mại của một vài "thế lực" nào đó.

Xin đừng đánh cắp tuổi thơ

Có thực tế là, các phụ huynh thời nay khi được hỏi về con cái mình, có rất nhiều người đã cảm thấy rất hãnh diện khi “khoe” về con: “ Nhìn nó già dặn hơn hẳn các bạn cùng tuổi”, hay “Nhìn nó rất chững chạc, ra dáng người lớn lắm”.

Tiếc thay, trong những năm gần đây, chúng ta đang gần như thiếu vắng đi một khái niệm “trẻ em đúng nghĩa”, mà thay vào đó, là những đứa trẻ “chín ép”, những “ông, bà cụ non”, những đứa trẻ bị "bắt làm người lớn" từ quá sớm, đặc biệt là trẻ em ở thành thị. Tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp một cách không thương tiếc, từ việc học hành quá tải, đến những sân chơi, sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa cho trẻ em cũng rất hiếm, những kì nghỉ hè cũng gần như là không còn. Nhưng đáng buồn hơn nữa, là chính những phụ huynh, bằng sự thiếu hiểu biết, cả tin, vụ lợi đã tiếp tay cho những điều đó ngày càng lớn mạnh như một trào lưu thời thượng.

Cách đây không lâu, chúng ta đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về việc học hành quá tải, thì giờ đây, liệu chúng ta có nên một lần nhìn nhận lại về việc hãy cho trẻ em được vui chơi đúng nghĩa, đúng với những giá trị mà nó mang lại. Đừng “vắt kiệt” các em trong những trung tâm nghệ thuật, những giờ học năng khiếu còn khắc nghiệt và áp lực hơn cả việc học văn hóa ở trường, thậm chí mức độ căng thẳng cũng không hề thua kém lớp học "người lớn" chút nào.

Ai cũng có quyền đam mê, có quyền nuôi dưỡng ước mơ, đặc biệt là các em nhỏ. Nhưng hãy để cho ước mơ ấy được sống đúng với lứa tuổi của nó, để tuổi thơ của các em được sống đúng nghĩa là “tuổi thần tiên”. Để sau này khi trưởng thành và có đủ hiểu biết chín chắn, các em được tự hào và nhắc nhớ về tuổi thơ của mình như một quãng đời đẹp nhất.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả