"Đuổi" linh vật ngoại lai, linh vật Việt vẫn chưa có chỗ trong đời sống

ANTD.VN - Cùng với những mặt tích cực đã đạt được, sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.

Linh vật không chỉ mang tính biểu tượng linh thiêng mà nó còn gắn kết và chia sẻ những tình cảm cộng đồng. Việc xem nhẹ linh vật trong đời sống văn hóa Việt Nam đã từng xảy ra trong một thời gian dài dẫn đến sự khủng hoảng nhận diện văn hóa của người Việt hiện nay. Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL như một hồi chuông cảnh tỉnh hiện tượng loạn sư tử đá, tỳ hưu tại các di tích, đồng thời khuyến cáo về việc không sử dụng linh vật ngoại lai.

"Đuổi" linh vật ngoại lai, linh vật Việt vẫn chưa có chỗ trong đời sống ảnh 1Cặp nghê cổ tại đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình)

Đường dài còn lắm gian truân

Hôm 17-10, một đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác quản lý di tích đền vua Đinh, vua Lê. Trước đây, cổng đông và cổng bắc khu di tích này có đặt hai đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc, sau khi Công văn số 2662 được ban hành, sư tử đá đã được thay thế bằng nghê - linh vật truyền thống của người Việt. 

Tuy nhiên, dù đã thay thế nhưng hai cặp nghê vẫn chưa thể hiện trọn vẹn tinh hoa của người xưa, bởi BQL di tích vẫn tận dụng bệ sư tử đá để đặt nghê lên trên và chỉ dùng một mẫu nghê nhân bản cho cả hai cổng. Trong khi, theo truyền thống tâm linh Việt, bao giờ cũng phải có âm dương đối đãi, có đực có cái, không bao giờ giống hệt nhau. Vì vậy, cặp nghê ở trước cổng đến vẫn khiến nhiều người yêu văn hóa truyền thống hết sức quan ngại vì chênh vênh và lạc lõng so với những con nghê cổ khác, vốn là chỉ giới của cõi thiêng, tạo ra sự thương cảm trang nghiêm, cung kính.

Không chỉ còn những hạn chế trong công tác quản lý, một vấn đề đáng lưu tâm: người dân ứng xử một cách thụ động với Công văn 2662 bởi chưa hiểu được giá trị linh vật truyền thống.

Ghé thăm nơi sản xuất, làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) trước kia là một điểm nóng trong sản xuất linh vật ngoại lai, khi được phóng viên Báo An ninh Thủ đô đặt câu hỏi: “Người làm nghề trong làng có phân biệt được các mẫu linh vật, hoa văn truyền thống Việt Nam với Trung Quốc hay không?”, chị Nguyễn Thị Nhung (53 tuổi) tay đang tất bật làm một con chó đá, chia sẻ: “Tôi có phân biệt được. Khách đến tôi cũng tư vấn cho người ta cả mẫu của Trung Quốc lẫn mẫu Việt. Nhưng giờ khách dùng hàng Việt Nam nhiều hơn hàng Trung Quốc rồi. Hàng Trung Quốc họa hoằn mới có người dùng thôi”.

Chị Nhung nói thêm: “Tôi cũng hiểu sơ sơ về việc không sản xuất những biểu tượng không đúng của người Việt. Chính quyền xã phường, quận huyện chưa có tuyên truyền nhưng khách đến mỗi người một ý. Họ bảo làm hàng Trung Quốc họ không thích, họ không ưa chuộng, làm hàng Việt Nam vì các nhà chùa đang thải hồi hết hàng Trung Quốc ra”.

Anh Lương Trịnh, nghệ nhân tiêu biểu của làng chạm khắc đá Ninh Vân cho hay: “Về kinh tế, chúng tôi không bị ảnh hưởng hay thiệt hại. Nhu cầu thị trường vẫn vậy, ví dụ trước đây mỗi năm trung bình bán được 20 đôi sư tử đá, nay cũng bán được chừng ấy tượng nghê làm theo lối cổ”. Cũng theo anh Trịnh, những nghệ nhân nơi đây dù có thể phân biệt linh vật ngoại lai với linh vật Việt nhưng không hiểu về giá trị thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh của linh vật nên rất khó trong việc tuyên truyền giá trị với khách hàng. Hơn nữa, khách hàng là người cuối cùng ra quyết định nên vẫn có những sản phẩm linh vật ngoại lai được sản xuất.

"Đuổi" linh vật ngoại lai, linh vật Việt vẫn chưa có chỗ trong đời sống ảnh 2Nghệ nhân làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)

Để linh vật Việt “nhập thế”

Những nghệ nhân thêu tại Ninh Bình thắc mắc: “Tôi muốn thêu con nghê lên gối nhưng lại nghĩ nghê không phù hợp với cuộc sống thường ngày”. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế giải đáp cũng bằng một câu hỏi: “Sao không thêu hình con nghê vào cái gối được? Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có hiện vật là chiếc gối phủ sơn hình con nghê”. Hình ảnh con nghê không chỉ có trong các không gian linh thiêng thờ tự đền miếu mà nó là linh vật rất gần gũi với đời thường, có thể hòa nhập vào không gian thế tục. Tiêu biểu, thời Nguyễn, có rất nhiều chậu cây cảnh hình con nghê, dưới chân giá đặt đồ hình nghê.

Bản thân những con nghê thường thấy ở cuối cửa đình, đền, chùa... cũng thể hiện sự gắn bó của con người với không gian sống. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế đưa ví dụ: “Người ta nói nghê là sư tử con nhưng hầu hết những con nghê ở cuối cửa đều rất già. Lý do nó là ước nguyện cho sự trường tồn, lâu bền của các gia đình. Có câu “Nhà này chắc hẳn trăm người chết, cha trước, con sau vợ trước chồng” (có nghĩa nhà đó trường thọ, thuận theo lẽ trời).

Chẳng ai muốn linh vật Việt bị lép vế so với sư tử đá. Thế nhưng, ít ai hiểu được nghê còn gửi gắm những ước nguyện rất nhân văn của con người như “dài dòng lớn họ, đông con nhiều cháu” trong hình ảnh nghê được thể hiện rõ phần sinh thực khí, hoặc hình thức nghê ổ nghê đàn. Nghê cũng mang ý nghĩa ước nguyện phú quý vinh hoa, nên có hình ảnh nghê vờn quả đào, nghê vờn khánh ngọc, nghê cầm chữ “Thọ”, nghê cầm viên mực, nghê đánh đàn... Nghê là may mắn nên có hình ảnh người dân trộm lục lạc nghê lấy phúc, chẳng hạn như trong mảng chạm ở đình Vị Hạ (Hà Nam)...

Bên cạnh mong muốn có nhiều hơn nữa những sản phẩm thiết kế đồ gia dụng cho tới hàng lưu niệm mang hình hài linh vật, nhiều ý kiến cho rằng việc có thêm các tư liệu, hình ảnh, đưa con nghê nói riêng và các linh vật Việt như rồng, phượng, kỳ lân, voi, hổ, ngựa... nói chung vào sách để nghệ nhân, người dân và du khách dễ dàng tiếp cận, và đặc biệt, không thể thiếu được những công trình điêu khắc công cộng sử dụng hình tượng linh vật Việt Nam.