Siêu mẫu Xuân Lan

Đừng im lặng trước nỗi đau con trẻ

ANTD.VN - Những ngày này, Xuân Lan đang quay cuồng với Tuần lễ thời trang thiếu nhi Việt Nam 2016 - Vietnam Junior Fashion Week (VJFW) lần thứ hai do cô chính là người khởi xướng. Cuộc trò chuyện nhanh nhưng đủ để “bà mẹ một con” chia sẻ về những âu lo trong việc bảo vệ an toàn và mong muốn mang lại những niềm vui cho con trẻ…

Siêu mẫu Xuân Lan và con gái

- PV: Lần thứ hai tổ chức Tuần lễ thời trang cho các bé thiếu nhi mà chị là người khởi xướng, cảm giác có khác nhiều không?

- Siêu mẫu Xuân Lan: Khác nhiều, chuyên nghiệp và hoành tráng, đầu tư đúng mức hơn. Tuy nhiên tôi vất vả hơn vì nó không phải là một hoạt động trong khuôn khổ một công ty nữa mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều các cơ quan, đoàn thể khác. Cũng may là tôi có sự hậu thuẫn của một ê-kíp giỏi, chuyên nghiệp hơn nên giúp mình xử lý được nhiều công việc.  Chương trình được làm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ không đơn giản, sân khấu lớn, lại diễn ra vào buổi tối với số lượng người mẫu lên tới 400 bé nên phải xử lý sao cho hợp lý. Show lần này được bảo đảm về cảm xúc, sân khấu, về chất lượng các bộ sưu tập và cả về diễn xuất của các con. 

- Cách đây không lâu, chị có chia sẻ mình đã chia tay CA3 - nơi chị đã gắn bó nhiều năm và là đơn vị đầu tiên tổ chức Tuần lễ thời trang thiếu nhi này. Việc chị chia tay CA3 có ảnh hưởng đến những chương trình thời trang nhí sau này? 

- Tuy không làm với CA3 nhưng tôi vẫn kết hợp với nhiều đơn vị khác để tổ chức vì đây là tâm huyết, là tình yêu của tôi dành cho con trẻ. Nếu tôi buông chương trình này ra cũng không ai trách được nhưng bởi lời hứa với 400 đứa trẻ, vì sự kỳ vọng của các bé với chương trình, mình còn làm thì các con sẽ có cơ hội diễn. Tôi vẫn mở lớp dạy các bé, vẫn tạo nhiều cơ hội để các bé được diễn. Chứ không phải tôi nghỉ ở CA3 thì mọi chương trình cũng “nghỉ” theo. 

- Có tin đồn chị sẽ tham gia The Face mùa thứ hai, thực hư thế nào?

- Không, thời gian này tôi đang quay lại với các chương trình, tôi có thể tham gia vào sản xuất các chương trình như Duyên dáng Việt Nam, Làn sóng xanh 20 năm, Hoa hậu Trái đất… nên không còn thời gian dành cho các cuộc thi. Bên cạnh đó, vai trò của tôi bây giờ không phải là một người xuất hiện để “chặt chém” người khác để đưa hình ảnh của mình lên nữa. Thành công của tôi bây giờ là sự thành công của những chương trình mà mình sẽ tham gia cùng cả một tập thể. 

- Thời gian qua, chị là người phản ứng rất mạnh mẽ về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, là một người mẹ, chị có thể thẳng thắn thừa nhận rằng: Ngay bản thân cha mẹ cũng có những thiếu sót khi không trang bị cho con mình đủ những kiến thức cần thiết không?

- Không phải vì tôi là mẹ của một bé gái mà tôi lên tiếng, bởi bản chất là con trẻ cần được bảo vệ. Nhất là trẻ con đang ở lứa tuổi chưa ý thức được, cần sống hồn nhiên. Lỗ hổng của các bậc làm cha mẹ chính là ngại đề cập đến vấn đề giới tính với con trẻ, ngại dạy con cách bảo vệ an toàn cho chính chúng, ngại đề cập đến những bộ phận về giới tính của cả nam lẫn nữ. Bên cạnh đó, tư tưởng của người Việt Nam là sợ nếu con mình bị lạm dụng mà lên tiếng thì bị đánh giá, bị mang tiếng và chê cười. 

Vừa qua tôi có thái độ mạnh và kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để bảo vệ chính con chúng ta thoát khỏi việc sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo bởi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nếu không làm rõ ràng và thỏa đáng, họ sẽ không nghĩ là họ đã phạm tội. Còn những đứa trẻ bị lạm dụng sẽ mang một tuổi thơ ám ảnh và cả đời sẽ bị ảnh hưởng về sự phát triển sinh lý, tâm lý, con người và nhân cách.

Vậy nỗi đau đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Tôi nghĩ hơn ai hết, không chỉ các bậc làm cha làm mẹ mà những ai yêu thương con trẻ đều cảm thấy phẫn nộ với hành động này. Câu chuyện này quá ám ảnh các bậc làm cha mẹ, đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế và nghĩ rằng nếu con chúng ta là nạn nhân tiếp theo thì chúng ta sẽ làm gì? Nếu chúng ta im lặng, nếu không có sự phản kháng, nếu không có những lá đơn, những lời kêu cứu của những bà mẹ thì mãi mãi những câu chuyện này sẽ bị nhấn chìm. 

- Trên phương diện cá nhân, chị dạy con gái mình những gì?

- Có thể một số người thờ ơ, có thể một số người ngại nói đến một vấn đề quá nhạy cảm chứ thật ra, ở mình đối diện thực tế về giới tính quá lỏng lẻo nên chính con trẻ tò mò, tự tìm hiểu rồi đi sai đường mà chúng ta không kiểm soát được. Ở các quốc gia phát triển, trẻ con được bảo vệ và giáo dục giới tính từ rất nhỏ. Các con ý thức được thế nào là an toàn, thế nào là “vùng không thể xâm hại” - đó là những nguyên tắc đầu tiên để bảo vệ chính bản thân.

Cá nhân tôi dạy con mình khá thực tế, bé hoàn toàn có thể phản ứng khi không muốn ai đó đụng vào người mình, con có quyền từ chối và đặc biệt người lạ tuyệt đối không được đến gần. Ngoài mẹ và bà ngoại là những người giúp bé trong việc vệ sinh hàng ngày là không ai được đụng vào người con và con bé giữ đúng nguyên tắc đấy. 

- Nhưng nếu nói với bé quá nhiều về câu chuyện phải đề phòng, bảo vệ sẽ làm các bé mất đi niềm tin vào tình cảm và có sự nghi ngờ với tất cả mọi người xung quanh. Theo chị điều này có đáng quan tâm?

- Trong xã hội này thì chúng ta phải thích nghi thôi. Con gái tôi là một cô bé rất hòa đồng, thân thiện với mọi người, nhưng   mình vẫn phải cảnh báo để bé cảnh giác. Bé phải học thực tế và phải học cách tự bảo vệ mình. Tôi cảm thấy niềm tin vỡ vụn khi ngay chính trong môi trường học đường là nơi mình nghĩ con mình an toàn nhất lại xảy ra những chuyện như vậy. Vì vậy, bắt buộc phải trang bị cho mình và cả con mình kiến thức để phòng vệ về những chuyện này.