Đánh thức Hà Nội từ những điều xưa cũ

ANTD.VN - Hơn 10 năm hoạt động, Ngô Quý Đức và các thành viên trong nhóm MyHaNoi đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn, lưu giữ, quảng bá và phát triển văn hóa, góp phần không nhỏ làm cho Hà Nội đẹp hơn.

Ngô Quý Đức

Ngô Quý Đức sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học công nghệ thông tin Aptech, chàng trai sinh năm 1985 đầu quân cho một công ty phát triển phần mềm. Ý tưởng về việc thành lập nhóm MyHaNoi đến khá tự nhiên.

Tháng 12-2006, khi làm việc thường xuyên trên mạng, Đức phát hiện chưa có nhiều trang viết về Hà Nội nên quyết định xây dựng một thư viện thông tin trực tuyến. Đức nêu ý tưởng và tìm các bạn có chung sở thích, bắt tay cùng thực hiện dự án này. 

Hà Nội của tất cả mọi người

Thư viện Hà Nội trực tuyến hình thành cũng là bước đầu tiên đánh dấu sự ra đời của nhóm MyHaNoi. Thư viện có lượng thông tin khá đa dạng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, phố phường, địa danh, con người... của Hà Nội. Để thu thập thông tin về Hà Nội một cách chính xác, đa dạng, Đức cùng 3 sáng lập viên đầu tiên của nhóm đã phải tốn khá nhiều công sức đi lại, ghi chép ở nhiều địa danh lịch sử, văn hóa.

Với số lượng thông tin đồ sộ thu được để sắp xếp, quản lý, sàng lọc và đưa lên trang mạng là công việc rất khó khăn. Rất may cho nhóm, tinh thần vì cộng đồng của các bạn được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội như: nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ nghiên cứu văn hóa Vũ Thế Long, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán, nhà giáo Đỗ Kim Hồi... và Hội Khoa học và Lịch sử Việt Nam. Dự án Thư viện Hà Nội trực tuyến được đánh giá cao, thành công của dự án cũng từng bước khẳng định tên tuổi của nhóm hoạt động xã hội MyHaNoi.

Về tên gọi của nhóm, Đức cũng trăn trở rất nhiều. Ý định ban đầu các bạn lấy tên nhóm là “Hà Nội của chúng ta” nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, Đức thấy tên này chưa nói hết được tình yêu Hà Nội của mỗi người. Theo Đức, Hà Nội đẹp theo cách khác nhau trong mắt của mỗi cá nhân.

Chỉ có tình yêu Hà Nội của mỗi người mới thấy được sự đa dạng, phong phú, bao quát hết cái đẹp của Hà Nội, cái đẹp không bị bó buộc trong cái chung. MyHanoi không chỉ là cái tên, đó còn là nỗi nhớ thương trong tim tất cả những ai có tuổi thơ gắn bó với Hà Nội, những người từng sống và làm việc, những người xa quê hương luôn hướng về Hà Nội và cả những người bạn ngoại quốc muốn tìm hiểu về mảnh đất có lịch sử ngàn năm văn hiến, đều có thể tham gia MyHaNoi của Đức. 

Đến nay nhóm MyHaNoi có 50 thành viên và trên 300 tình nguyện viên, chủ yếu là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Thủ đô.

Cùng những trò chơi dân gian mà MyHanoi tổ chức ở không gian phố đi bộ hồ Gươm

Hoạt động vì cộng đồng

Hơn 10 năm hoạt động, Ngô Quý Đức và các thành viên trong nhóm MyHaNoi đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn, lưu giữ, quảng bá và phát triển văn hóa trên muôn mặt đời sống của Hà Nội, góp phần không nhỏ làm cho Hà Nội đẹp hơn trong mắt người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.

Quả thực những đóng góp của các bạn trẻ cho Hà Nội rất đáng trân trọng. Sau khi dự án Thư viện Hà Nội trực tuyến gây bất ngờ với giới chuyên môn công nghệ, gây ngạc nhiên và thán phục đối với những nhà nghiên cứu về Hà Nội, Đức bắt tay ngay vào các dự án tiếp theo. Với sự giúp đỡ của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ và cố vấn của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhóm thực hiện đề án nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu thông tin về Lễ hội truyền thống tại các làng thuộc khu vực hồ Tây.

Nhóm đã tham gia biên soạn nội dung về “Phong tục - Lễ hội” trong bộ Bách khoa thư Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội; Thực hiện chương trình “Em tập làm nghệ nhân” với mục đích góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của các làng nghề truyền thống; Đề án “Thanh niên hành động nhằm thay đổi thói quen vứt rác nơi ăn uống công cộng, giữ vệ sinh nhà hàng, quán ăn” giành giải thưởng trị giá 15.000 USD... Đó chỉ là một vài phần việc mà Đức và các bạn của mình thực hiện trong những năm qua.

Đức cho biết, anh dành tâm huyết và đam mê nhiều nhất cho dự án “Trò chơi dân gian” mới triển khai đầu năm 2016. Một phần tuổi thơ của Đức đã từng chơi nhiều trò chơi dân gian, thấy các em nhỏ ngày nay dù có điều kiện về kinh tế nhưng thiếu đi sân chơi lành mạnh.

Các trò chơi dân gian Việt Nam có giá trị ít được biết đến, nó mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con người, tính cộng đồng rất cao, lôi cuốn mọi người cùng vui chơi và ai cũng có thể tham gia nhưng tiếc rằng giờ đây mai một dần.

Đưa trẻ em trở về với những đồ chơi, trò chơi truyền thống, cùng hành trình về với quá khứ tuổi thơ của cha ông nhằm góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, đánh thức hồn dân tộc ẩn tàng trong mỗi em nhỏ thông qua các trò chơi dân gian là những trải nghiệm lành mạnh, hữu ích và là tiêu chí mà MyHanoi đang hướng tới.

Mới đây nhất Đức kết hợp với nghệ nhân Lan Hương khởi động Dự án Lớp học Áo dài dành cho phụ nữ tại “Không gian Áo dài Việt” (số 18 Âu Cơ, Hà Nội) với mục đích giúp người phụ nữ ứng xử đúng với tà áo dài truyền thống và phát động ngày mặc áo dài tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Đức mong muốn ý tưởng này được sự đồng thuận, đóng góp của chính quyền Hà Nội và của các cơ quan truyền thông.