Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: "Ông vua không ngai" của hội họa Việt Nam

ANTĐ - Người cuối cùng trong bộ tứ thứ hai của nền mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã kết thúc cuộc hành trình trong cõi nhân gian. Ở tuổi 94, sự ra đi của ông không quá đột ngột nhưng vẫn để lại nỗi tiếc thương cho một tài năng và nhân cách lớn của hội họa Việt.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: "Ông vua không ngai" của hội họa Việt Nam ảnh 1“Gióng”, bột màu được Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1978

Sự sáng tạo vô bờ bến

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng đánh giá, nếu như Bùi Xuân Phái cho người xem cách cảm về hội họa (lãng mạn, bay bổng), Nguyễn Sáng là một người vẽ giỏi (kỹ thuật) thì Nguyễn Tư Nghiêm lại cho người xem cách nghĩ về hội họa (nội dung và cảm xúc). Điều đó để thấy, vị trí và vai trò của Nguyễn Tư Nghiêm trong nền hội họa Việt Nam là vô cùng lớn lao, với tư cách người mở đường cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

So với 3 danh họa trong bộ tứ: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên, ông đã xác lập và hình thành một phương thức nghệ thuật độc đáo, mở ra con đường sáng tạo mang đầy bản sắc văn hóa Việt Nam và có tầm ảnh hưởng rộng lớn, bao phủ tới nhiều thế hệ họa sỹ. Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm, giới làm nghề đều bày tỏ sự nể trọng và kính phục tài năng của ông, một danh họa uyên bác, thành danh nhưng khiêm nhường. 

Với phạm vi bó hẹp là chủ đề con giáp, một họa sỹ thông thường chỉ làm được 4-5 phác thảo đã cảm thấy “oải”, cạn dòng suy nghĩ thì Nguyễn Tư Nghiêm cứ miên man với hình mẫu ấy, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác. Cho tới nay, chưa có một con số thống kê cụ thể ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh con giáp, bao nhiêu bức tranh lấy cảm hứng từ văn hóa cổ. Chỉ biết rằng, số lượng các bức tranh được công bố ít hơn rất nhiều so với con số thực ông đã vẽ.

Và chỉ chừng ấy bức tranh từng ra mắt đã đủ khiến người xem và giới mộ điệu nể phục trước sự sáng tạo vô bờ bến của Nguyễn Tư Nghiêm. Một lần đến thăm danh họa và được xem Nguyễn Tư Nghiêm cầm cục sáp màu vẽ tiên nữ đình làng, nhà nghiên cứu Bùi Như Hương đã bị ấn tượng mạnh cho tới tận hôm nay. Từ khi đặt cục sáp xuống tờ giấy cho đến khi nhấc bút lên, Nguyễn Tư Nghiêm không dừng lại một phút nào. Bố cục đã nằm trọn vẹn trong đầu ông và chỉ nhờ đôi bàn tay chuyển tải lên mặt tranh. Không tẩy xóa, không vẽ nét đứt đoạn, một nét liền từ đầu tới cuối ấy đúng là chỉ hàng kỳ tài mới có thể thực hiện được. 

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: "Ông vua không ngai" của hội họa Việt Nam ảnh 2Tác phẩm sơn mài “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1982

Người bắc chiếc cầu từ dân tộc sang hiện đại

Xác lập con đường đi riêng: dân tộc hiện đại, từ những hình vẽ con giáp, các chạm khắc đình làng, Nguyễn Tư Nghiêm đã chuyển hóa thành ngôn ngữ hiện đại. Không còn lối tả thực chân chất, ông đã biến những điệu múa cổ… trở thành nhịp điệu, đường nét. Nhìn tranh ông, người xem nhận ra ngay bản sắc riêng của đất nước bằng ngôn ngữ rõ ràng và đặc sắc.

Ông là người bắc chiếc cầu từ văn hóa dân tộc sang hiện đại bằng phong cách hội họa riêng biệt. Từ Nguyễn Tư Nghiêm đến nay, có biết bao họa sỹ đã đi trên con đường được ông mở ra và thành danh nhờ vào những nỗ lực sáng tạo. Tầm ảnh hưởng và vai trò của Nguyễn Tư Nghiêm là không thể phủ nhận đối với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, ông được tôn sùng là “ông vua không ngai” của hội họa Việt Nam. 

Sinh ra trong gia đình dòng dõi, có bố là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái và được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tư Nghiêm có sự uyên bác của một tài năng lỗi lạc. Dù chọn lối sống “đóng cửa” để toàn tâm toàn ý cho hội họa nhưng không phải ông không biết các diễn biến của đời sống xã hội.

Cách đây chừng hơn 10 năm, Báo An ninh Thủ đô trân trọng mời danh họa vẽ bìa báo Tết. Họa sỹ đã yếu, tay chân không còn vững như trước kia nhưng trước lời mời của tờ báo uy tín, ông đã nhận lời, dù trước đó đã từ chối lời đặt hàng từ nhiều tờ báo khác.

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm cho biết, ông mến mộ Báo An ninh Thủ đô đã lâu, một tờ báo của ngành công an lại quan tâm đến nghệ thuật nên ông rất quý và trân trọng cái tình đó. Nhờ đó, trang bìa số báo Tết năm Quý Mùi của Báo An ninh Thủ đô đã đăng trang trọng bức tranh vẽ con dê của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. 

 Sau những tháng ngày miệt mài với nghệ thuật, làm việc lặng lẽ, chuyên cần như một thiền sư, ông đã về với bộ tứ huyền thoại. Nguyễn Tư Nghiêm đã hoàn thành sứ mệnh của mình đối với đất nước và nền mỹ thuật.

Con đường ông mở ra sẽ mãi là mảnh đất thênh thang cho những tâm hồn Việt yêu vốn cổ cha ông, tiếp biến để tìm ra nhiều ngã rẽ trong nghệ thuật. Nhưng có lẽ, cái cốt lõi trong con đường đi ấy là bản sắc văn hóa dân tộc thì không họa sỹ nào được quên.