Cưới hỏi văn minh, đỡ gánh nặng "mâm cao cỗ đầy"

ANTD.VN - Trước thời điểm Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội ra đời, việc thực hiện tổ chức cưới cho bản thân, con, em của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thực sự gương mẫu, vẫn linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

“Ngày hạnh phúc” tại Công viên Bách Thảo do Thành đoàn Hà Nội tổ chức tháng 4-2017

Sau 5 năm “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”, nếp sống văn minh trong việc cưới đã và đang hình thành rõ nét. Đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, những mô hình tiệc cưới “vui tươi lành mạnh tiết kiệm” xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội.

Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức 

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động quán triệt tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã được các đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và phù hợp với thực tiễn. 

Thông qua các cơ quan báo, đài, hệ thống truyền thông cơ sở đã giúp mỗi người dân, nhất là cán bộ đảng viên hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của Chỉ thị đối với bản thân, gia đình và cộng đồng khu dân cư nơi mình sinh sống.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo, đài của Hà Nội đã căn cứ nội dung Chỉ thị mở các chuyên trang, chuyên mục, kịp thời biểu dương những gương điển hình tiên tiến, tạo động lực để từng địa phương tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới tại địa bàn mình, đồng thời nhân rộng mô hình tổ chức đám cưới văn minh, lịch sự và tiết kiệm ra toàn thành phố. 

Cùng với hệ thống thông tin đại chúng, các đơn vị cũng chủ động tập trung tuyên truyền Chỉ thị cùng với các nhiệm vụ, yêu cầu của các cấp, các ngành gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá, bảo vệ các giá trị văn hoá tốt đẹp của người Hà Nội.

Từ thành phố đến cơ sở, các phong trào được tích cực triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động và đem lại những kết quả rất quan trọng. Sự nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. 

Những mô hình đám cưới điểm

Hiện nay, theo số lượng thống kê cho thấy, hơn 90% số đám cưới trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện theo nếp sống văn minh. Những đám cưới tổ chức ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí đã giảm nhiều. Một số mô hình cưới đạt hiệu quả tốt tại các địa phương được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng và ghi nhận.

Quận Hà Đông đã duy trì tốt mô hình cưới từ 40-50 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người), tổ chức cưới tiệc trà (phường Vạn Phúc 16 đám, phường Quang Trung 8 đám…), không mời thuốc lá, không bắc rạp dài quá 15m, không mở loa đài công suất lớn trước 5h và sau 22h, đảng viên không sử dụng xe công đi ăn cưới, phục vụ đám cưới, có chế tài xử lý đối với cán bộ đảng viên vi phạm. Các cán bộ, đảng viên thuộc quận quản lý nếu vi phạm trước mắt sẽ phải chuyển công tác, sau đó tùy từng mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật thỏa đáng. 

Tại quận Tây Hồ, mô hình “Chi hội phụ nữ thông minh” đã được 13.371 hộ gia đình hội viên đăng ký cam kết thực hiện. Tổ chức “Festival cưới” tại công viên nước Hồ Tây với nhiều hoạt động hấp dẫn như trao giải bình chọn ảnh cưới qua mạng, thi clip “Đám cưới trong mơ”, trò chơi liên hoan tạo dấu ấn trải nghiệm cho các cặp đôi với chủ đề “tình yêu và thử thách”, dạ tiệc “dấu ấn thời gian” của 20 cặp cô dâu chú rể thu hút gần 3.000 người tham dự. Đặc biệt, mô hình “đám cưới điểm” ở huyện Đan Phượng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2013, toàn huyện Đan Phượng chỉ có hơn 10 “đám cưới điểm”, nhưng đến nay đã tăng lên hơn 1.000. 

Mô hình “cưới tiết kiệm”, “cưới theo nếp sống mới”, “tiệc ngọt kết hợp với báo hỷ sau cưới” được triển khai có hiệu quả tại một số xã trên địa bàn huyện Ba Vì. Thị trấn Chúc Sơn, Đại Yên và Đoàn thanh niên huyện (huyện Chương Mỹ) triển khai mô hình “cưới tiết kiệm”, “lễ cưới nếp sống văn minh” đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt gánh nặng chi phí đối với các đôi vợ chồng trẻ và các hộ nghèo.

Huyện Mê Linh, mô hình “tiết kiệm trong việc cưới” đã được các chi hội phụ nữ vận động hiệu quả với 577/762 đám cưới tiết kiệm. Mỗi đám cưới tiết kiệm được 30 triệu đồng, tổng số tiền hội viên tiết kiệm được mỗi năm khoảng 140 triệu đồng, giúp chị em phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ đại học....

Thể hiện tinh thần quyết tâm, vai trò xung kích, Thành đoàn Hà Nội luôn đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị với việc xây dựng và triển khai kế hoạch sâu rộng cho các đoàn viên, hội viên bằng các hoạt động thiết thực như: Tiến hành xây dựng mô hình điểm tổ chức lễ cưới nếp sống mới như tổ chức cưới tập thể tại  các quận, huyện: Đan Phượng (25 đôi), Tây Hồ (20 đôi), Hoàng Mai (10 đôi), Phúc Thọ (7 đôi), Đông Anh (4 đôi), Hoài Đức (2 đôi). Tổ chức tiệc trà và báo hỷ sau lễ cưới, đặt hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, tổ chức trao nhận Giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND, nhà văn hóa phường, xã, thị trấn… 

Những kết quả trên đây cho thấy, sau 5 năm triển khai sâu rộng, Chỉ thị 11 đã thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào đời sống làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân và chính quyền địa phương. Ngày cưới thực sự trở thành một ngày vui, không câu nệ nặng nề chuyện mâm cao cỗ đầy, ăn uống linh đình... điều mà với nhiều gia đình chuyện “phong tục” thực sự là gánh nặng. 

(Còn nữa)

Một số đơn vị tổ chức thực hiện tốt trong việc cưới văn minh như: quận Ba Đình có 4.367 hộ gia đình tổ chức đám cưới văn minh, đạt tỷ lệ 99,3%, quận Long Biên có 8.328/8.491 đám cưới, đạt 98%; huyện Mỹ Đức có 7.191/7.570 đám cưới, đạt tỷ lệ 95%; Thị xã Sơn Tây có 5.389/5.742 đám cưới, đạt tỷ lệ gần 94%, huyện Chương Mỹ 16.265/17.673  đám cưới, chiếm 92,03%, huyện Ba Vì có 11.183/14.937 đám cưới, đạt tỷ lệ 74,8%...