Bộ VH-TT&DL "chỉ mặt gọi tên" lễ hội chọi trâu đáng lo ngại nhất hiện nay

ANTD.VN -Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018, ngày 20-4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chỉ ra 3 lễ hội chọi trâu tại Phù Ninh (Phú Thọ), Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng) còn tồn tại nhiều điểm “nóng”.

Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa đánh giá, lễ hội chọi trâu Phù Ninh là lễ hội chọi trâu đáng lo ngại nhất hiện nay

Lo ngại vấn đề an toàn tại lễ hội

Chia sẻ về lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), đại diện huyện cho biết, tính riêng mùa lễ hội năm 2018, có hơn 40.000 du khách đến tham dự lễ hội chọi trâu, quy mô, tính chất của lễ hội chọi trâu này đã đáp ứng nhu cầu nhân dân xã Phù Ninh và du khách, Ban tổ chức lễ hội không bán vé thu tiền, vận động chủ trâu không giết mổ trâu bán thịt...

Tuy nhiên, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở lại khẳng định: “Hiện nay, lễ hội chọi trâu Phù Ninh là đáng lo ngại nhất trong 3 hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc)”. Bà Ninh Thị Thu Hương chỉ rõ, công tác đảm bảo an toàn, an ninh tại lễ hội này chưa được “thắt chặt”, hàng rào quá đơn sơ, do không có lối đi riêng cho trâu chọi nên trâu và người xem đi chung một lối.

Quan sát 2 ngày ở Phù Ninh, bà Ninh Thị Thu Hương nhận định công tác trật tự trong lễ hội chọi trâu diễn ra tại đây là đáng báo động. Khi quan sát và phát hiện trâu chọi có dấu hiệu “điên” bà Ninh Thị Thu Hương đã phải gọi điện ngay tới Chủ tịch huyện Phù Ninh, đề nghị dắt con trâu này ra khỏi sân, nếu không thì không biết liệu sẽ có chuyện gì xảy ra.

Vấn đề vệ sinh môi trường tại đây cũng khiến lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở quan ngại, khi khách đến xem chọi trâu hôm trước xả rác la liệt nhưng hôm sau rác vẫn chưa được dọn. Cùng với đó, theo bà Ninh Thị Thu Hương, tổ trọng tài trong lễ hội thiếu kỹ năng, không có biện pháp khống chế trâu chọi.

Cũng là địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu, đại diện Sở VH-TT Hải Phòng cho biết, sau sự cố đáng tiếc trâu chọi húc tử vong chủ tại hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 1-7-2017, Sở VH-TT Hải Phòng đã cùng UBND quận Đồ Sơn xây dựng đề án nâng cao công tác tổ chức lễ hội chọi trâu. Đại diện Sở VH-TT Hải Phòng tiết lộ, trải qua nhiều cuộc họp, hiện tại đề án tương đối hoàn thiện, đang thẩm định để báo cáo UBND TP Hải Phòng trình Bộ VH-TT&DL quyết định. Trong đó bao gồm các nội dung chính như khắc phục sâu về hạn chế lễ hội, tính an toàn trong tổ chức; tập trung tuyên truyền phần lễ nhiều hơn; nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng cho sân chọi trâu.

Trước thông tin này, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho hay, Bộ VH-TT&DL sẽ thành lập Hội đồng để thẩm định đề án này kỹ càng khi nhận được từ địa phương.

Bộ VH-TT&DL "chỉ mặt gọi tên" lễ hội chọi trâu đáng lo ngại nhất hiện nay ảnh 2Năm 2017, sự cố một người thiệt mạng tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khiến dư luận xôn xao 

Nên dừng lễ hội chọi trâu?

Cũng theo bà Trịnh Thị Thủy, cả huyện Hải Lựu và huyện Phù Ninh cần sớm xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức lễ hội chọi trâu trên địa bàn. Địa phương cần rà soát lại hồ sơ của lễ hội này, nếu xác định đây là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa và mục đích giáo dục thì sớm hoàn thiện hồ sơ để được Bộ VH-TT&DL xem xét.

Trong trường hợp, không có căn cứ để chứng minh tính truyền thống và mang lại những giá trị giáo dục thực sự cho cộng đồng, Bộ VH-TT&DL yêu cầu phải dừng những hội này để đảm bảo lễ hội an toàn, và trật tự.

Nếu đúng là lễ hội truyền thống, địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu như thế nào, số lượng trâu chọi tham gia ra sao để đảm bảo quy mô, chất lượng và không thương mại hóa lễ hội... cũng cần xây dựng đề án trình Bộ VH-TT&DL. Thứ trưởng Thủy đặt câu hỏi, nếu nói lễ hội có truyền thống đặc sắc vậy năm nay đề nghị không bán vé, không giết thịt trâu chọi…thì BTC có chấp hành hay không.

Một trong những ý kiến đóng góp được quan tâm tại hội nghị, ông Nguyễn Vũ Phan – Giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã tạm dừng lễ hội chọi trâu, mặc dù lễ hội Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang có đủ điều kiện làm hồ sơ thể hiện rằng đây là lễ hội truyền thống. Song, nhìn bản chất, chọi trâu là bạo lực, chưa kể đến các yếu tố thương mại như bán vé hay cá độ ngầm phức tạp... Do đó, ông Nguyễn Vũ Phan đưa ý tưởng, chỉ nên giữ lại duy nhất lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn bởi di sản mang tính ký ức, để nay mai thế hệ sau xem lại có thể thấy những dấu vết của thời văn minh nông nghiệp. Còn những lễ hội khác thì nên dừng và phải có văn bản cụ thể của Bộ VH-TT&DL.

Ghi nhận ý kiến đưa lễ hội chọi trâu trở thành di sản ký ức, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị Sở VH-TT Hải Phòng tham khảo trong quá trình xây dựng đề án. Đề nghị 2 địa phương huyện Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đang còn duy trì 2 lễ hội chọi trâu cũng nên xem xét đề xuất này để có lộ trình, dừng tổ chức lễ hội này hay điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng bày tỏ mong muốn trong năm 2018 sẽ sớm giải quyết các điểm “nóng” của lễ hội bằng các tiêu chí, chính sách tổng thể chứ không phải chạy theo sự vụ bất ngờ xuất hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Các lễ hội mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội phết Đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.

Tuy nhiên, mùa lễ hội vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...