Vi phạm phải xử lý nghiêm, thật sự khó khăn có thể giãn nợ

ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội được ví như “giá đỡ” cho người lao động đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp. 

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đây lại là gánh nặng trĩu vai liên quan đến lợi nhuận, quỹ tiền lương. Mặc dù việc đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, song trên thực tế, không ít chủ sử dụng lao động tìm mọi cách, kể cả thủ đoạn để trốn đóng, chây ỳ, nợ đọng BHXH.

Vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng cũng cần xem xét, cân nhắc những doanh nghiệp không cố tình phạm luật mà thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian qua, danh sách những doanh nghiệp bị BHXH Việt Nam đưa ra tòa về tội trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, dường như có chiều hướng gia tăng. Không ít doanh nghiệp bị khiếu kiện đã “tự nguyện” nộp tiền hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động. Tuy vậy cũng có không ít ý kiến phản biện, lên tiếng kêu ca về gánh nặng BHXH.

Thậm chí có những chuyên gia đưa ra số liệu so sánh mức đóng BHXH của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn với một số nước trong khu vực, nhất là khi tốc độ và mức tăng lương của nước ta trong những năm qua thuộc loại nhanh. Điều dễ hiểu là, khi lương tăng dù chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, thì doanh nghiệp sẽ phải tăng mức đóng BHXH.

Thực tế có những công ty, doanh nghiệp đã tăng trước đó. Ngoại trừ, có những đơn vị dùng chiêu trò hai bảng lương để gian lận khoản đóng BHXH thực cho công nhân, còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính đều phải so đo, tính toán, “giật gấu vá vai” đóng BHXH theo đúng quy định. Đặc biệt với những doanh nghiệp chật vật xoay xở để tồn tại, giữ chân người lao động, thì việc cân đối doanh thu và đóng các khoản bảo hiểm thực sự là bài toán nan giải.

Từ thực trạng này, một số chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất một số giải pháp không chỉ mang tính tình thế mà là mở ra hướng đi, lối thoát lâu dài cho các doanh nghiệp. Đó là giảm mức đóng BHXH cho doanh nghiệp thực sự khó khăn; đồng thời có thể giãn nợ, khoanh nợ BHXH có thời hạn với cam kết trước cơ quan BHXH. Đây không phải là “nợ xấu, khó đòi”, không lo doanh nghiệp bỏ trốn.

Mặc dù mới chỉ là ý kiến đề xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp đang “nặng nợ” BHXH nuôi hy vọng sẽ trở thành hiện thực.