Vì đâu "giọt máu đào" lại loãng hơn cả "ao nước lã"?

ANTD.VN - “Giọt máu đào hơn ao nước lã” (Tục ngữ Việt Nam) - Tình cảm gia đình được hình thành từ tình yêu, nghĩa vợ chồng của hai thành viên đầu tiên của mọi nhà. Giọt máu đào đầu tiên của gia đình ấy là đứa con đầu lòng.

“Người quen” đầu tiên của bé là bầu sữa, hơi hướng, tiếng nói và đôi cánh tay mềm mại của mẹ. Bài học đầu tiên mẹ tặng bé là cho bé bú đúng giờ giấc và bé gọi mẹ, phát tín hiệu khi đói hoặc tè hay bĩnh… là tiếng khóc của bé. “Người quen” thứ hai có thể là bà nội, bà ngoại hoặc là bố nếu bố cũng bế ẵm, chăm sóc bé cùng mẹ ngay từ khi bé là thành viên của gia đình. Tình phụ tử cũng bắt đầu từ đấy. Người ruột thịt của bé là các em sẽ sinh sau dưới một mái nhà.

“Trứng ung từ trong ung ra”

Trong thời gian gần đây, số vụ án trong gia đình giữa vợ chồng, cha con, mẹ con, bà cháu, ông cháu tăng hơn trước một cách xót xa, kinh hoàng đã nói lên điều này: Bạo lực gia đình và lòng tham (qua những vụ tranh chấp tài sản, đất đai, thừa kế) mà anh em giết nhau, đạo đức suy đồi đã giết chết tình cảm gia đình.

Tại sao “giọt máu đào” ở những nơi đó lại loãng hơn cả “ao nước lã” đến như vậy? Đúng là “trứng ung từ trong ung ra”. Có nguyên nhân từ gia đình, từ người phạm tội hay nguyên nhân bên ngoài trong diễn biến của vụ án, nhưng nguyên nhân chính là từ  gia đình.

Tình cảm gia đình chỉ thắm thiết và thiêng liêng, sâu đậm khi mọi thành viên gắn bó, thương yêu, tôn trọng, giữ đúng vị thế của mình ở trong nhà, luôn luôn nghĩ đến người ruột thịt của mình, không ích kỷ, tham lam…

Thói gia trưởng, cáu gắt, mắng mỏ, đánh đập là nguyên nhân

Cha, mẹ là người đầu tiên trao tình cảm gia đình cho con cái từ tình mẫu tử, phụ tử của mình vào những lúc chăm sóc, dạy bảo con một cách dịu dàng, nghiêm túc, có khoa học, theo tiêu chí của pháp luật và những quy ước, phong tục tập quán có giá trị là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quốc gia Việt Nam, kể từ lời nói đến việc làm của mình để làm gương cho con cái noi theo.

Tình cảm gia đình được hình thành và bồi đắp bền vững chỉ có thể có được khi mọi người trong nhà gần gũi nhau, vui buồn, sướng khổ có nhau, cùng chung tay vun vén, chăm sóc nhà cửa, cùng có trách nhiệm với tổ ấm của mình ngay từ khi còn nhỏ. Thói gia trưởng, hay cáu gắt, mắng mỏ, đánh đập hoặc buông thả “mặc kệ nó” sẽ làm thui chột tình cảm yêu thương giữa con người với con người, với trẻ em khi các em đang cần phải học điều hay, lẽ phải trong cung cách ứng xử và giao tiếp.

Vì đâu "giọt máu đào" lại loãng hơn cả "ao nước lã"? ảnh 2Vết tích của những lần bị bạo hành trên mặt bé trai 9 tuổi bị bố đánh

Vun đắp tình cảm gia đình bằng nhiều cách

Gia đình là nơi trú ngụ, bến đỗ bình yên, an toàn nhất cho mỗi người. Có yêu nhà mình, thương người thân, kính trọng người già, mến trẻ nhỏ, xởi lởi thân mật với mọi người thì mới có được tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào như lời Bác Hồ dạy các cháu thiếu nhi.

Ở nhà, mọi người luôn có dịp quần tụ, gần gũi nhau thì mới có dịp thể hiện, trao tình cảm, chăm sóc cho nhau. Người lớn bảo ban và khuyên nhủ con cái, trẻ em thì làm con ngoan, học hành chăm chỉ. Lấy khích lệ những điều hay, việc tốt để đẩy lùi những việc sai, làm hỏng hoặc ngại khó, lười biếng. Lấy sự thật thà giữ lời hứa, tin cậy nhau để giữ gìn sự trong sạch về nhân cách cho nhau để cùng sống, cùng trưởng thành và hình thành một sự gắn bó tự nhiên mà sâu đậm.

Có những hành vi tưởng như nhỏ thôi nhưng có tác dụng tới tình cảm gia đình như: Một người ốm, cả nhà cùng chăm sóc, giữ yên lặng, bước nhẹ chân, hỏi han. Người ăn cơm sau, thấy cơm, canh được để phần cho mình thật ngon lành thì khi đến lượt mình ăn trước cũng để phần như thế.

Cha mẹ cần dần dần cho các con biết về họ hàng, thân tộc. Đó là những ai, xưng hô, đáp lời, thăm hỏi thế nào. Gia đình nào có quê thì cố gắng cho con, cháu về thăm quê nội, quê ngoại để mở rộng sự hiểu biết về gốc gác, tổ tiên, gia tộc, họ hàng và cách ứng xử. Một người trong nhà gặp chuyện rủi ro thì cả nhà cùng chia sẻ, tháo gỡ chứ không “mặc kệ” hoặc đay nghiến, hắt hủi.

Lòng nhân ái của con người ta được hình thành trong chiếc nôi gia đình là tình yêu thương lẫn nhau, chứ không phải tự nhiên mà có. “Chị ngã em nâng, em ngã chị nâng” (Tục ngữ Việt Nam). Có như thế mới có được tình cảm gia đình thắm thiết.

Vì đâu "giọt máu đào" lại loãng hơn cả "ao nước lã"? ảnh 3Đối tượng Trần Hoài Nam hành hạ con đẻ của mình đến gãy xương sườn đã bị CAQ Cầu Giấy (Hà Nội) tạm giữ hình sự

Đáng lo, nhiều gia đình không giữ được nếp

Hiện nay không mấy gia đình còn giữ được nếp “ngày hai bữa cơm truyền thống” nữa, và còn vì nhiều lý do khác nhau, cha mẹ, con cái, anh chị em trong nhà rất ít thời gian gặp nhau để gia đình quần tụ. Hiện tượng này rất đáng ngại cho việc vun đắp tình cảm gia đình và hạn chế bớt tình trạng tuổi vị thành niên phạm pháp và trẻ em bỏ nhà đi mà gia đình không biết là đi đâu.

Tuổi trẻ mắc phải nạn bạo lực, rõ ràng là bởi thiếu lòng nhân ái khi đang trong chiếc nôi gia đình.

Thật đáng lo!

Có những hành vi tưởng như nhỏ thôi nhưng có tác dụng tới tình cảm gia đình như: Một người ốm, cả nhà cùng chăm sóc, giữ yên lặng, bước nhẹ chân, hỏi han. Người ăn cơm sau, thấy cơm, canh được để phần cho mình thật ngon lành thì khi đến lượt mình ăn trước cũng để phần như thế.