Về nơi lũ quét đi qua

ANTD.VN - Cho đến bây giờ, dù đã được chuyển về nhà mới, ổn định cuộc sống nhưng nhiều đêm đang ngủ tôi bất giác giật mình, hoảng loạn khi nghe tiếng xe ôtô đi qua đường cũng ngỡ tiếng đất đá từ trên núi đổ xuống, vội vàng ôm con định chạy...

Trở lại xã Suối Nánh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào một ngày giữa tháng 5-2018, nơi trước đó vào tháng 10-2017, đã xảy ra trận lũ quét lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân. Dường như đã hơn 7 tháng trôi qua, nhưng những gì cơn lũ dữ để lại còn ám ảnh và đè nặng trên đôi vai những người dân bản.

Khu vực suối Dượn đất đá vùi sâu có đoạn gần 20m

Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-10 đến ngày 12-10-2017, đã xuất hiện mưa to đến rất to gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản ở huyện Đà Bắc làm 6 hộ gia đình bị cuốn trôi, 6 người chết, 5 người mất tích, 9 người bị thương. Trong đó, xã Suối Nánh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bể nước nơi cứu sống 16 người dân ở xã Suối Nánh

Tìm đến con suối Dượn nơi có tảng đá và bể nước đã cứu sống 16/20 người ở Suối Nánh, đang xác định chờ chết thì may mắn bám được vào thành bể nước vật lộn suốt đêm chờ nước rút, những vết tích về sự tàn khốc của trận lũ quét vẫn còn hiện rõ.

Con đường độc đạo TL - 433 nối từ trung tâm huyện Đà Bắc vào xã Suối Nánh với gần 80km đường rừng vẫn còn nhiều điểm nền đất yếu bị sạt lở. Dọc con suối Dượn nhiều ngôi nhà bị lũ càn quét trơ móng, đồ sinh hoạt của người dân vẫn trơ trọi. Cảnh hoang tàn, đổ nát còn hiện hữu tại Đà Bắc.

Chị Đinh Thị Oanh cùng con gái bên bếp lửa ở ngôi nhà mới

Lũ dữ đi qua, các cấp chính quyền ở nhiều địa phương và các cơ quan đoàn thể ở khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có lực lượng Công an Hà Nội và những nhà hảo tâm ở khắp mọi nơi đã chung tay hỗ trợ người dân nơi đây vực dậy, ổn định cuộc sống. Trở về với đời sống thường nhật, trên ánh mắt của những người thoát chết vào rạng sáng 11-10 tại suối Dượn, xã Suối Nánh vẫn ẩn hiện nỗi sợ hãi.

Sau lũ, theo thống kê của UBND huyện Đà Bắc, xã Suối Nánh có hơn 70 gia đình bị ảnh hưởng nặng. Chính quyền đã hỗ trợ mỗi gia đình mất nhà cửa, tài sản khoảng 20 triệu đồng để xây dựng lại nhà mới. Ngoài ra, cũng đã san lấp một ngọn đồi làm nơi tái định cư cho người dân. Đến ngày 30-4-2018, đã có 61 hộ dân ổn định cuộc sống tại bản xóm Mới. Những ngôi nhà mới đang được xây dựng.

Khu tái định cư cho các gia đình bị thiệt hại do lũ

Ngồi bên bếp lửa trong một chiều mưa, chị Đinh Thị Oanh (30 tuổi) kể lại câu chuyện trong cái đêm định mệnh ấy cho chúng tôi nghe. Trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ vừa thoát chết, ánh mắt vẫn hiện lên nỗi sợ hãi: “Mấy ngày liền mưa tầm tã suốt đêm ngày, chúng tôi không thể đi đâu ra khỏi nhà. Trong đêm mưa, tôi bỗng nghe thấy tiếng đất đá rầm rầm đổ xuống, chỉ vội ôm con chạy. Nước từ đầu suối Dượn cứ đổ dồn từ trên cao xuống mỗi lúc một lớn cuốn phăng mọi thứ ở phía dưới, gồm 6 ngôi nhà, chiếc xe tải chở ngô và lái xe, ông chủ buôn ngô, một thanh niên xã khác và một người trong xóm lúc đó đã không chạy kịp trước cơn lũ hung dữ, bị nước cuốn trôi”.

“Cho đến bây giờ, dù đã được chuyển về nhà mới, ổn định cuộc sống nhưng nhiều đêm đang ngủ tôi bất giác giật mình, hoảng loạn khi nghe tiếng xe ôtô đi qua đường cũng ngỡ tiếng đất đá đổ xuống vội vàng ôm con định chạy. Cứ mỗi khi bóng tối buông xuống, con trẻ trong nhà lại khóc nằng nặc đòi về nhà cũ. Thật lòng, chuyển về nhà mới tốt hơn, ổn định hơn nhưng chúng tôi vẫn chưa quen, lúc nào cũng ngóng được về nhà mình. Ngủ ở đây giống như ngủ nương vậy, chỉ muốn được về nhà”, chị Oanh ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng chia sẻ.

Mặc dù đã có nhà, nhưng cuộc sống của những người dân ở xóm Mới vẫn vô cùng khó khăn. Khu tái định cư cách trung tâm xã gần 10 km, trường học và chợ cũng cách xa nhà. Vì vậy, mỗi ngày con đường đến trường của trẻ em nơi đây gặp khó khăn vô cùng. Nhiều em nhỏ không thể tự đi xe đạp bố mẹ phải đưa đến trường rồi mới đi nương. Trong khi đó nương thì ở xa, đi lên nương cũng là lúc mặt trời đã đứng bóng.

Theo những người dân bản, ở khu tái định cư cứ mưa là mất điện, có khi mất điện đến 2 ngày trời. Cuộc sống ở đây thiếu thốn đủ thứ, điện chỉ đủ thắp sáng và chạy quạt. Nhiều căn nhà xây dở chỉ có mái mà không có vách tường. Trong căn nhà trống trơn, không có đồ đạc. Nhiều đứa trẻ phải dải sách vở xuống nền nhà để ôn bài vì không có bàn học.

Cuộc sống còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng đối với mỗi người dân nơi đây, sự sống sẽ lại hồi sinh. Họ đã vượt qua sự giận dữ của "mẹ thiên nhiên" để giành giật sự sống vì thế cho dù khó khăn như thế nào, những con người mạnh mẽ nơi đây vẫn sẽ vực dậy bắt đầu cuộc sống mới.