Uống nước có bù được ăn mặn?

ANTD.VN - Cho trẻ ăn thêm 1g muối, uống bao nhiêu cốc nước mới bù đủ? Câu hỏi này chắc chắn là thắc mắc của không ít các bậc cha mẹ.

Ăn mặn đương nhiên không tốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được thực tế là nếu được nêm nếm đậm đà, món ăn sẽ ngon miệng hơn, giúp trẻ ăn được nhiều hơn. Chính vì thế, thay vì cho con ăn nhạt đi một chút, nhiều người lại tặc lưỡi: ăn mặn rồi uống nước bù! Quan điểm này liệu có chính xác?

Cứ cho ăn mặn rồi uống nước bù?

Là một người đang nuôi con nhỏ, chị Vũ Thị Mai (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Bé con nhà tôi rất lười ăn. Cứ đến bữa ăn là cả nhà lại như phường chèo, bố gieo xúc xắc, ông bà chơi ú òa đủ kiểu chỉ mong sao nó nuốt được một miếng. Lúc đầu, tôi cũng nấu cho bé ăn khá nhạt, nhưng một lần, chồng tôi nếm thử và bảo: “Nhạt tanh thế này thì con ăn làm sao được, phải vừa miệng mình thì mới vừa miệng con chứ. Mình ăn thấy chán, nuốt không nổi thì hèn gì trẻ con không chịu ăn”. Nghĩ chồng nói vậy cũng có lý nên từ đó, tôi nêm nếm gia vị đậm đà hơn. Quả thật, bé cũng đã ăn được nhiều hơn. Tôi cũng sợ bé ăn mặn sẽ hại gan, hại thận nên cuối mỗi bữa đều cho bé uống nhiều nước, vừa đỡ khát, vừa hi vọng sẽ làm loãng số muối đã nạp vào cơ thể”.

Đồng quan điểm với chị Mai, chị Nguyễn Minh Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người nói ăn nhạt mới tốt cho sức khỏe, thế nhưng, thức ăn nhạt đến mình còn thấy chán thì sao trẻ con nó ăn được. Mà nếu nó không ăn được thì làm gì có dinh dưỡng, có sức khỏe. Như thế càng hại người hơn ấy chứ. Thôi thì cứ cho ăn đậm một chút, rồi uống nước bù vào sau. Trẻ con nó ăn được thì cơ thể ắt khỏe mạnh”.

Nước chỉ giảm khát, không đào thải muối

Ăn mặn sẽ khát nước, nhưng khi uống nước sẽ hết khát. Như thế là lượng muối đã được trung hòa. Chính bởi suy nghĩ này mà nhiều người cho rằng chỉ cần cho trẻ uống nước sau khi ăn mặn là ổn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, điều này là không đúng. 

Tiến sĩ Hồ Thu Mai khẳng định: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người trưởng thành có thể ăn 5g muối/ngày. Đối với trẻ em từ 7 -12 tháng tuổi, chỉ nên cho dùng tối đa 1g muối mỗi ngày, trẻ 1 - 3 tuổi là 2g và từ 4 - 6 tuổi là 2,5g. 

Thực tế, khi chúng ta ăn muối, tức là cơ thể đã dung nạp thêm một hàm lượng natri nhất định. Đặc tính của natri là hút nước ở các tế bào, nên nó tạo cảm giác khát, khiến chúng ta uống nước liên tục. Việc uống nước này thực chất là để bù đắp cho các tế bào mất nước, chứ không làm giảm lượng natri trong cơ thể. Đấy là lý do bạn có uống nhiều nước cũng không thể làm giảm tác hại của natri với cơ thể.

Thực tế, ăn mặn lâu ngày sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Không chỉ hại gan, thận, ăn mặn còn là nguyên nhân làm tăng nặng các bệnh sẵn có trong cơ thể như: cao huyết áp, bệnh tim, các bệnh về đường tiêu hóa… Chính bởi thế, dù rằng nêm nếm đậm đà sẽ giúp trẻ ngon miệng hơn, song cũng không nên quá lạm dụng! Ngoài ra, với các thực phẩm chế biến sẵn, các mẹ cũng nên hạn chế cho con ăn bởi chúng thường được tẩm ướp mặn để có thể bảo quản được lâu. 

Ăn mặn lâu ngày sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Không chỉ hại gan, thận, ăn mặn còn là nguyên nhân làm tăng nặng các bệnh sẵn có trong cơ thể như: cao huyết áp, bệnh tim, các bệnh về đường tiêu hóa…