Từ thiện có ý thức - yêu thương đúng người, đúng cách

ANTD.VN - Tìm hiểu về cách thức tổ chức hiệu quả những hoạt động từ thiện, và cả về những mặt nọ mặt kia trong công tác từ thiện, phóng viên An ninh Thủ đô đã gặp gỡ và hỏi chuyện ông Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao.

- PV: Thưa ông Trần Đăng Tuấn, Quỹ Trò nghèo vùng cao – mà mọi người biết đến nhiều hơn dưới tên Cơm có thịt – có sự khác biệt thế nào so với nhiều quỹ từ thiện khác? Và triết lý, phương thức hoạt động của Qũy là gì?

Ông Trần Đăng Tuấn: Mỗi tổ chức từ thiện đi vào một lĩnh vực riêng. Nghe tên Cơm có thịt có vẻ là đi vào chuyện ăn uống. Thực tế thì không sai lắm, vì nó là vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em. Tuy nhiên hiện giờ Cơm có thịt đang làm nhiều thứ, từ bữa ăn đến quần áo ấm, ủng dép rồi cả những cái thiết bị học tập, sách vở, thuốc chữa bệnh, cả xây ký túc xá, cũng như xây phòng học.

Ông Trần Đăng Tuấn nặng lòng với trẻ em nghèo vùng cao

Bản chất của Qũy không phải nâng cao chất lượng mà là hỗ trợ dinh dưỡng, nuôi bình thường học sinh vùng cao, chủ yếu phục vụ cho trẻ em đến trường. Nên về cơ bản quỹ này là quỹ hỗ trợ giáo dục.

Quỹ này tạo điều kiện học hành cho những vùng cao khó khăn. Vì bây giờ trên ấy có nhiều trẻ em bỏ học, đến lớp thì không đủ dinh dưỡng để học 2 buổi trong một ngày.

Trong khi đó, tiếng Kinh còn kém, nếu mà học nửa ngày thôi thì rất là thiệt thòi cho trẻ vùng cao. Nhưng nếu mà học 2 buổi/ ngày thì nảy sinh vấn đề về dinh dưỡng, vấn đề về áo ấm, rồi trường lớp thì thô sơ, khi rét quá thì rất là khó. Vì thế, chúng tôi “xoáy” vào dinh dưỡng, áo ấm cho trẻ em.

Và đúng như cái tên Trò nghèo vùng cao của Quỹ, chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ một loại đối tượng là trẻ em vùng cao, không “đi” vào các đối tượng khác. Đấy là cái đầu tiên là khác biệt về đối tượng và lĩnh vực.

Cái khác biệt thứ hai là chúng tôi không chủ trương hoạt động từ thiện có tính chất một lần, lên phát học bổng, đồ dùng chống rét cho một số học sinh xong, thì về. Mà chúng tôi sẽ bám chặt vào đấy, xem có nhu cầu gì cần phát sinh nữa, thì trong sức mình có thể đáp ứng, hỗ trợ bằng chương trình cụ thể. Đã giúp trường nào, là giúp cả năm học và những năm học sau.

Từ thiện có ý thức - yêu thương đúng người, đúng cách  ảnh 2

Ông Trần Đăng Tuấn (phải) trả lời phỏng vấn nhà báo Nguyễn Quốc

Thường là chỉ khi nào hết nhu cầu, ví dụ như khi trường nhận được tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước hoặc gì đó, thì chúng tôi mới rút ra. Còn thì rất nhiều trường từ năm 2011 đến bây giờ, là liên tục hỗ trợ, và càng ngày càng mở rộng hỗ trợ từ dinh dưỡng cho đến các thứ khác.

Tất cả những cái đấy mới tạo ra sự thay đổi rõ rệt về trường học. Đó là học sinh khỏe lên rất nhiều. Theo chỉ số y tế của các trường, trẻ con ở đấy lớn lên trông thấy, nó béo lên trông thấy so với trước. Và chất lượng học tập tốt hơn. Lượng học sinh bỏ học giữa chừng giảm đi rồi về “không”, số học sinh đi học nhiều hơn - “chỉ số chuyên cần” cao lên rõ rệt.

Điều đấy rất quan trọng đối với vùng cao. Giáo viên được ăn ở tốt hơn hẳn, từ đó có sự yên tâm công tác, do vật chất, tinh thần cũng tương đối được cải thiện, không quá khổ. Cả việc trang bị đủ sách vở, sách truyện để trình độ tiếng phổ thông của các em tốt hơn.

Điểm thứ ba, tất nhiên cũng có những đơn vị giúp đỡ lớn, giúp đỡ hàng tỷ đồng, nhưng về cơ bản nguồn đóng góp chủ yếu cho đối tượng vùng cao là những đóng góp nhỏ. Tức là số lượng người tham gia đóng góp rất nhiều, mỗi người ít thôi nhưng mà gom gom lại, chứ không phải những đóng góp này từ những đơn vị hỗ trợ lớn.

Điểm thứ tư là đa dạng trong những hình thức hoạt động. Quan niệm không phải chỉ mục đích là thu được một số tiền và ở mức bao nhiêu mà quan trọng là mức lan tỏa trong cộng đồng.

Thực ra giúp đỡ các em nhưng mà ngoài các tác dụng vật chất ra, còn tác dụng tăng lên cái gắn bó tình bạn, rồi tình thân, miền xuôi miền núi, rồi những tình cảm đối với nền văn hóa dân tộc, với những con người trên vùng cao.

Chính vì thế trong hoạt động của chúng tôi ngoài hình thức là quyên góp còn có nhiều hoạt động khác. Ví dụ những hoạt động cộng đồng phổ thông, những hoạt động ca nhạc tổ chức thường xuyên. Bóng đá cũng là một hình thức, đấu giá, rồi hội chợ…

Triết lý của chúng tôi là thường xuyên, bền vững và tạo ra được sự thay đổi. Từ hồi đầu đến giờ chúng tôi không bao giờ đi ra khỏi khu vực đối tượng, không ra khỏi khu vực nhu cầu, bọn tôi chỉ “xoáy” vào một điểm đấy và xác định cái này mục đích xuyên suốt là để hỗ trợ giáo dục. Phương thức là phải thường xuyên và tiêu chí đánh giá là phải tạo được sự thay đổi rõ rệt.

Về mặt tổ chức thì đúng là chúng tôi không có ai được đào tạo chuyên nghiệp về cái này, vừa làm vừa rút kinh nghiệm thôi. Còn nhân sự thì Cơm có thịt hiện giờ chỉ có 2 nhân viên, còn lại Hội đồng quản trị hay là Hội đồng quản lý quỹ đều là những người làm tình nguyện, kể cả trụ sở, nơi làm việc, phương tiện nữa thì chúng tôi cũng dựa vào sự ủng hộ bên ngoài.

Nên chi phí quản lý rất thấp, cực kỳ thấp. Về giải quyết những khối lượng công việc thì chúng tôi chủ yếu dựa vào tình nguyện viên. Số lượng tình nguyện viên thường xuyên cho các hoạt động phải đến hàng trăm người.

- Để giúp đỡ một trường hoặc điểm trường thì quy trình sẽ là thế nào? Có thành công thức không?

Có công thức. Thông tin ban đầu nhận được thì từ rất nhiều nguồn thông tin, nhưng có nhiều cái thiên về cảm tính. Như việc người ta đến đấy, người ta thấy thiếu thốn, người ta xúc động, người ta thông tin cho mình. Nhưng đi sâu vào, mới thấy rằng tại sao có những thiếu thốn ấy mà lẽ ra không đáng như thế? Vì Nhà nước đã có chế độ chính sách, nhưng do nhà trường không tổ chức tốt cho các em.

Chúng tôi thì bao giờ trước khi quyết định cũng có khâu khảo sát, và đó là khâu rất mất công sức, vì đường xá xa xôi lắm. Nhất định phải có khảo sát, vì hoạt động từ thiện phải hết sức chính xác về mặt đối tượng, mặt khu vực.

Ví dụ anh muốn giúp xây ký túc xá, anh phải xác minh được đất đấy là đất bền vững, anh phải xác minh được địa phương chưa có kế hoạch, không có ngân sách để làm cái đó. Phải xác định được sau khi xây dựng xong số lượng học sinh ở đấy chắc chắn sẽ ở đấy, sẽ sử dụng có hiệu quả. Rồi còn cả vấn đề kinh phí, cách làm…

Xác định bằng cách nào là hợp lý nhất, ví dụ làm tại khu vực rất cách trở thì phải sử dụng nhà kết cấu nhẹ.

Sau khi khảo sát kỹ, rồi quyết định hỗ trợ, thì mình phải thể hiện qua một cái thỏa thuận với trường. Một bên là Quỹ, một bên là trường và cả chính quyền xã, phòng giáo dục, phụ huynh.

Tại sao phải làm thế? Vì để nó trở thành những cái ràng buộc, có tính chất pháp lý. Rồi chúng tôi lấy đơn vị trường là đơn vị làm đối tác chính, theo dõi thực hiện giúp đỡ thông qua đơn vị trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm.

Trong quá trình giúp đỡ phải theo dõi, phải kiểm tra giám sát. Giám sát thì mời những người có kinh nghiệm, những chuyên gia về tài chính. Hằng năm quyết toán, chúng tôi cũng chọn những đơn vị kiểm toán để kiểm tra.

Xin cảm ơn ông!