Thời tiết thất thường, nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát

ANTD.VN - Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, năm nay, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội đến muộn hơn so với năm ngoái, tuy nhiên, thời điểm này, số ca mắc đã bắt đầu có xu hướng gia tăng…

Ngoài sốt xuất huyết, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân vào khám vì các bệnh dịch liên quan đến thời tiết giao mùa và ảnh hưởng sau mưa lũ như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ… đang tăng lên. 

Thời tiết thất thường, nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát ảnh 1Dịch đau mắt đỏ dễ bùng phát trong mùa mưa lũ

Trẻ viêm đường hô hấp nhập viện tăng gấp đôi

Khoảng nửa tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ nhập viện vì các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi tăng cao, bình quân mỗi ngày lên tới 400-500 trẻ vào khám. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết “đỏng đảnh” sáng lạnh, trưa nắng ấm chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ đổ bệnh, số trẻ đến khám tăng gấp đôi so với ngày thường. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị vài tuần gần đây cũng tăng gấp rưỡi so với thời điểm trước đó và liên tục duy trì ở mức cao với khoảng hơn 3.000 bệnh nhi mỗi ngày. Trong đó, bệnh nhi nhập viện chiếm đa số là mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, sốt xuất huyết… phổ biến nhất là ở nhóm trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. 

Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Truyền nhiễm hiện đang có 5 ca tay chân miệng khá nặng phải điều trị nội trú trong số vài chục ca đến khám mỗi ngày. Tương tự, Bệnh viện Xanh Pôn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 bệnh nhi vào khám vì tay chân miệng, số mắc tăng đáng kể so với 1, 2 tháng trước. Tính trên toàn Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng và tăng liên tục trong vài tuần trở lại đây, chỉ riêng tuần vừa qua ghi nhận tới 97 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng đáng kể so với 2 tuần gần nhất. 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cảnh báo, bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng như viêm màng não - não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi, phù phổi và có thể gây tử vong, do đó người dân không được chủ quan, cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.

Đau mắt đỏ dễ bùng phát sau mưa lũ

Bên cạnh các bệnh dễ mắc do giao mùa ở trẻ nhỏ, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài cũng khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác đe dọa bùng phát. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số ca mắc đau mắt đỏ vào khám bắt đầu có xu hướng gia tăng. Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thời điểm giao mùa từ Hè sang Thu cộng thêm mưa bão như hiện nay thường trùng đúng đỉnh dịch đau mắt đỏ. Năm nay, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội đến muộn hơn năm ngoái tuy nhiên với thời tiết mưa nhiều hiện nay thì nguy cơ dịch bùng phát trong thời gian ngắn sắp tới là rất lớn.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nên khả năng bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn. Ngược lại với người già, khả năng nhiễm bệnh thấp hơn bởi mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển. Bệnh đau mắt đỏ dễ nhận biết bởi có các triệu chứng điển hình như đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, đau mắt một bên trước sau đó nhanh chóng lan sang bên mắt lành… 

Khi mắc bệnh, người bệnh cần nhỏ nước muối sinh lý, kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid song không được lạm dụng dùng thuốc kháng sinh kéo dài bởi sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc, thậm chí còn gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt. Cũng theo bác sĩ Hoàng Cương, trường học là môi trường rất dễ lây lan đau mắt đỏ nên trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Trong mùa dịch đau mắt đỏ, các nhà trường cần đảm bảo trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng các vật dụng chung hay sử dụng (các tay nắm cửa, nút bấm thang máy...).

Trước tình hình nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, đặc biệt là sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, dịch truyền để sẵn sàng đáp ứng công tác điều trị cho người bệnh mắc các bệnh dịch sau mưa lũ...

Trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nên khả năng bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn. Ngược lại với người già, khả năng nhiễm bệnh thấp hơn bởi mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.