Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cần làm gì để có kết quả tốt nhất?

ANTD.VN - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 - kỳ thi quan trọng đối với các sĩ tử để có bước định hướng đầu tiên cho sự nghiệp tương lai. Những thí sinh tham dự kỳ thi năm nay cần chuẩn bị những gì để có kết quả tốt nhất? Những lời khuyên của các giáo viên chuyên dạy ôn luyện sẽ mang tới câu trả lời xác đáng nhất!

Ngày 27-5, tại Khu Liên hợp Thể thao (Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội), Hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổ chức sự kiện Hành Trình PEN với chủ đề “Truy tìm kho báu tri thức”, trong đó, các thầy cô chuyên luyện thi đã tư vấn lộ trình ôn luyện cho học sinh lớp 12 năm tới và giai đoạn nước rút cho các sĩ tử năm nay.

Tham gia tư vấn tại sự kiện lần này có: Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Tiến sĩ Lê Bá Trần Phương - Giáo viên bộ môn Toán - hiện đang là giảng viên trường ĐH Công nghiệp, thầy Nguyễn Thành Công - Giáo viên môn Sinh học - hiện đang giảng dạy tại trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hà Nội…

Các giáo viên tham gia tư vấn, chia sẻ với các bạn học sinh tại sự kiện

Sĩ tử cần chú ý những gì?

Cô Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên luyện thi môn Ngữ Văn - chia sẻ: "Năm nay, nếu các em quan sát kỹ đề thi mẫu của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì có thể dễ dàng nhận ra trong cấu trúc bài nghị luận văn học đơn vị kiến thức lớp 12 vẫn là chủ đạo, nhưng có thêm câu hỏi phụ yêu cầu có sự liên tưởng đến kiến thức lớp 11. Thời gian để làm bài nghị luận văn học là từ 60 – 70 phút/120 phút. Chính vì vậy khi làm bài nghị luận văn học, các em hãy đọc thật kỹ đề bài để xác định được yêu cầu, nội dung cơ bản cần nghị luận là gì? Phần liên tưởng đề cập đến ở mức độ và góc độ nào để viết cho vừa phải đúng mức và không bị lạc đề”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thanh Hương - Giáo viên luyện thi môn Tiếng Anh - chia sẻ: “Các em nên dành 60 phút mỗi ngày để học các chuyên đề và làm bài tập. Chuyên đề thường gặp trong các đề thi THPTQG như các thì, so sánh, mệnh đề quan hệ, hài hòa chủ vị, câu bị động, động từ khiếm khuyết, câu gián tiếp, liên từ, giới từ.  Đối với phần đọc hiểu, điền từ đoạn văn là phần mà các em hay gặp khó khăn nhất trong đề thi, vì các câu hỏi này liên quan đến từ vựng, liên kết ý và lập luận, cho nên học sinh phải thông thạo các từ vựng theo từng chủ đề và bối cảnh để dễ xử lí câu hỏi. Phần từ vựng, các em dành 30 phút mỗi ngày để học được 10 từ mới và 20 từ cũ”.

Các bạn học sinh hào hứng đón nhận những lời khuyên và lời chúc tốt đẹp từ các thầy cô

Đối với môn Hóa, thầy Nguyễn Ngọc Anh dặn dò các học sinh: “Đối với dạng bài tập vận dụng cao, học sinh nên nắm chắc các chuyên đề về Peptit - Este thường kết hợp với phản ứng thủy phân và đốt cháy, các bài tập về hợp chất vô cơ có nhiều quá trình diễn ra thường xử lý bằng sơ đồ hóa. Đặc biệt lưu ý, các dạng câu hỏi này thường hay có nội dung đánh đố và gài bẫy thí sinh”.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ về môn Vật lí: "Khi làm bài thi, các em nên ưu tiên hoàn thành những câu hỏi có kiến thức cơ bản trước, không phân bổ thời gian nhiều cho các câu vận dụng cao để tránh được tình huống mất điểm ở các câu dễ”.

Trong tổ hợp KHXH, thầy Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ kỹ năng làm bài thi môn Địa lí: “Các em chú ý tập sử dụng Atlat Địa lí. Atlat được coi là quyển 'sách giáo khoa thứ hai', cũng là tài liệu quan trọng được sử dụng trong phòng thi. Các em cần nắm vững các phương pháp sử dụng Atlat như: Biểu hiện các đối tượng địa lí, các kí hiệu trên Atlat, mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat. Ngoài ra, những kĩ năng địa lí (phân tích bảng số liệu thống kê, biểu đồ…) cũng cần phải được tăng cường trau dồi trong thời gian này như: Nắm vững cách phân tích một bảng số liệu thống kê, cách giải quyết các bài tập kỹ năng, ghi nhớ dấu hiệu nhận dạng của các loại biểu đồ. Việc củng cố kiến thức trong SGK và thành thạo kĩ năng sử dụng Atlat sẽ giúp các em dễ dàng đạt được 8, 9 điểm Địa lí”.

Bạn Nguyễn Hồng Linh - học sinh lớp 12A4, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội - bày tỏt: Năm nay, em đang luyện ôn khối B, trong đó môn Toán phần hình học không gian về các bài toán khoảng cách là phần kiến thức mà em yếu nhất. Sau khi em được nghe các thầy tư vấn chi tiết về kĩ năng làm dạng bài này thì em đã bớt lo lắng hơn. Để làm tốt các bài toán về hình học không gian, em chỉ cần gạt bỏ đi tâm lí lo sợ để thoải mái làm đề. Trong bài toán khoảng cách có 2 loại chính là: khoảng cách từ 1 điểm đến một mặt phẳng và khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau. Tuy nhiên bài toán gốc là khoảng cách từ 1 điểm đến một mặt phẳng, nếu làm thạo kiến thức này thì coi như ta sẽ xử lý xong phần khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau”.

Lộ trình ôn luyện sắp tới cho học sinh lên lớp 12

Riêng các bạn học sinh lớp 12 năm tới lại được các thầy cô cung cấp lộ trình ôn tập ngay từ trong hè này. Theo đó, lộ trình được chia làm 3 giai đoạn quan trọng. Giai đoạn 1 là giai đoạn tổng ôn lại kiến thức 3 lớp, nên bắt đầu sớm từ tháng 6-2018, ôn luyện toàn diện tất cả các đơn vị kiến thức làm bàn đạp cho các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ tháng 9-2018 song song với ôn luyện toàn diện, tập trung vào luyện các dạng bài và luyện đề. Giai đoạn 3, từ tháng 4-2019, tập trung vào tối ưu điểm số bằng việc ôn luyện chọn lọc và kết hợp cả tổng ôn lẫn luyện đề. Đây là lộ trình được các thầy cô đánh giá là tốt nhất trong một năm cuối của học sinh lớp 12. 

Các bạn học sinh hào hứng đặt câu hỏi với thầy cô để được giải đáp những thắc mắc trong giai đoạn nước rút gấp gáp

Thầy Lê Bá Trần Phương - Giáo viên luyện thi môn Toán - đã dặn dò các học sinh sắp bước vào lớp 12 năm tới:Các em học sinh đang chuẩn bị bước vào lớp 12 hãy nhớ rõ rằng, phải bắt đầu quá trình luyện ôn sớm nhất có thể ngay sau khi kết thúc kì thi học kì 2 lớp 11, vì trong đề thi năm sau của các em sẽ tăng mức độ khó hơn rất nhiều so với anh chị khóa 2000, tập trung cả nội dung kiến thức 3 lớp 10, 11, 12 trong đề thi. Ôn luyện ngay từ bây giờ sẽ giúp các em giảm được nhiều áp lực học sau này. Riêng với môn Toán, khi ôn luyện chương trình lớp 10, 11 thì các em chỉ nên rà soát lại kiến thức cơ bản, còn đối với chương trình lớp 12 thì các em phải nắm kĩ cả nội dung cơ bản và nâng cao”.